TIN TỨC -> NGHIÊN CỨU - BÌNH LUẬN TIN TỨC -> NGHIÊN CỨU - BÌNH LUẬN

Retour
Bộ Thông tin và Truyền thông: Bước đệm hình thành công dân điện tử; Đề nghị nhà mạng đẩy nhanh thương mại hóa 5G

*Bước đệm hình thành công dân điện tử:
 Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng Đề án sản xuất điện thoại thông minh giá rẻ phục vụ cho các mục tiêu phát triển chính phủ điện tử, hình thành công dân điện tử... Theo đó, Việt Nam sẽ có điện thoại thông minh giá 500.000 đồng, phổ cập 100% dân số...
Tại cuộc họp giao ban Quý I vừa diễn ra đầu tháng 3/2020, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ đang xây dựng chương trình phổ cập điện thoại thông minh tới 100% dân số. Điều này được thực hiện thông qua việc sản xuất những chiếc điện thoại thông minh Việt Nam với giá chỉ 45 - 50USD (khoảng 1.100.000 - 1.200.000 đồng), nhưng bán đến tay người dân chỉ khoảng 500.000 đồng (tương đương với mức 20USD).
“Các nhà mạng trong nước sẽ bù giá 10USD; các nhà phát triển ứng dụng cài sẵn trên máy hỗ trợ 1 USD/ứng dụng và máy điện thoại có khoảng 10 ứng dụng cơ bản, giúp giảm bớt giá thành sản phẩm thêm khoảng 10USD; còn lại các nhà sản xuất trợ giá... Khi 100% người dân sử dụng điện thoại thông minh sẽ rất thuận lợi cho việc triển khai Chính phủ điện tử, hình thành công dân điện tử” - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thông tin thêm.
Ngay sau thông điệp của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về chương trình điện thoại thông minh giá rẻ, đại diện các nhà mạng, nhà sản xuất điện thoại cho biết đã sẵn sàng tham gia chương trình. Ông Nguyễn Thành Công, Trưởng ban Ban Khách hàng cá nhân (Tổng công ty Viễn thông MobiFone) cho biết, việc các nhà mạng hỗ trợ 10USD/chiếc điện thoại thông minh là hoàn toàn khả thi. Đó cũng là cách mà nhà mạng đầu tư (theo hình thức khách hàng mua máy kèm gói cước dữ liệu 3G, 4G giá rẻ có cam kết thời gian sử dụng) để phát triển thuê bao dữ liệu…
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam đang chuyển đổi số quốc gia, phát triển Chính phủ điện tử trên nền tảng di động. Do vậy, thúc đẩy sản xuất điện thoại thông minh giá rẻ sẽ góp phần thực hiện các mục tiêu về chuyển đổi số quốc gia và phát triển chính phủ điện tử, hình thành công dân điện tử.
* Thúc đẩy dịch vụ trực tuyến: đề nghị nhà mạng đẩy nhanh thương mại hóa 5G
Vừa qua, Cục Viễn thông thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông bảo đảm chất lượng mạng và dịch vụ viễn thông nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ trực tuyến.
Công văn nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ ngày 11/3/2020 đã có Chỉ thị số 13/CT-TTg yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành, học tập, khai báo điện tử, kiểm soát dịch bệnh; hướng dẫn, khuyến khích người dân tăng cường sử dụng các dịch vụ công trực tuyến.
Thực hiện Chỉ thị này, các cấp, các ngành đang tăng cường, đẩy mạnh sử dụng các dịch vụ trên nền tảng trực tuyến như dịch vụ công trực tuyến, giao dịch điện tử, dạy và học trực tuyến, y tế từ xa, hội nghị, làm việc trực tuyến...
Do vậy, lưu lượng dữ liệu phát sinh từ các dịch vụ trực tuyến, nhu cầu lắp đặt thuê bao mới dự báo tăng trưởng đột biến; đồng thời, dự báo sẽ có sự dịch chuyển nguồn lưu lượng về phía kết cuối thuê bao tại các hộ gia đình cũng như thay đổi về chu kỳ giờ bận, lưu lượng “đỉnh” trong ngày...
Số liệu thống kê trong nước cho thấy lưu lượng lưu chuyển qua trạm trung chuyển Internet quốc gia (VNIX) tăng đến 40% trong thời gian vừa qua.
Số liệu tham khảo từ các nước, khu vực chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 cho thấy tăng trưởng đến 50% về lưu lượng truy cập các website, cá biệt tại các khu vực chịu cách ly, phong tỏa lưu lượng tháng 3/2020 tăng đột biến tới 90% so với tháng 2/2020, tập trung chủ yếu vào lưu lượng từ các ứng dụng hội nghị, làm việc trực tuyến, dạy và học trực tuyến, giải trí trực tuyến...
Để đảm bảo chất lượng mạng và dịch vụ viễn thông trong tình hình mới, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu bùng nổ về kết nối và xử lý dữ liệu từ các dịch vụ trực tuyến của các cấp, ngành và người dân, Cục Viễn thông vừa đề nghị các nhà mạng thực hiện một số yêu cầu. Trong đó, có các nội dung đáng chú ý như nhà mạng cần tăng cường đầu tư, nâng cấp hạ tầng băng rộng, mở rộng dung lượng băng thông kết nối Internet trong nước thông qua các kết nối trực tiếp ngang hàng, kết nối tới trạm trung chuyển Internet quốc gia VNIX; mở rộng kết nối Internet khu vực và quốc tế; tăng vùng phủ băng rộng tới cấp huyện, xã để đáp ứng nhu cầu sử dụng các dịch vụ công trực tuyến. Bên cạnh đó, cần khẩn trương nâng cấp, bảo đảm kết nối Internet băng rộng tại các khu vực cách ly tập trung, các cơ sở y tế đang thực hiện cách ly, điều trị để phòng, chống dịch Covid-19. Có phương án dự phòng cơ động để nhanh chóng bổ sung dung lượng, điểm kết nối Internet cho các khu vực dân cư cách ly, phong tỏa.  Nghiên cứu phương án nâng băng thông, đường truyền với mức giá cước không đổi cho khách hàng đang sử dụng dịch vụ. Đối với trường hợp khách hàng tại các khu vực cách ly tập trung, các cơ sở y tế đang thực hiện cách ly, điều trị để phòng, chống dịch bệnh chưa kịp thanh toán cước, nhà mạng có phương án tạm thời không ngắt kết nối trong 30 ngày. Các doanh nghiệp viễn thông di động được yêu cầu cần sớm hoàn thiện các thủ tục, cơ sở hạ tầng để triển khai dịch vụ Mobile Money nhằm hạn chế sử dụng tiền mặt. Nghiên cứu, có phương án đẩy nhanh việc thương mại hóa 5G tạo điều kiện phát triển các ứng dụng y tế từ xa, đào tạo trực tuyến, sản xuất thông minh... 

Nguồn: hanoimoi.com.vn/vietnamnet.vn

Website liên kết