TIN TỨC -> TIN TỨC CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH TIN TỨC -> TIN TỨC CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH

Back
Họp Tổ chuyên gia xây dựng Đề án Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài
Sáng ngày 29/4, tại trụ sở Bộ, Bộ Nội vụ tổ chức họp Tổ chuyên gia xây dựng Đề án Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài nhằm góp ý dự thảo Đề cương Đề án Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài.
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa chủ trì buổi họp.
Tham dự buổi họp có các thành viên Tổ chuyên gia, Tổ giúp việc xây dựng  Đề án Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài.
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa phát biểu tại buổi họp

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa nhấn mạnh tư tưởng “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” và cho rằng, thời kỳ nào nhân tài được trọng dụng, thời kỳ đó thịnh vượng; đất nước nào phát hiện, trọng dụng và đãi ngộ tốt với nhân tài, đất nước đó phát triển. 

Nhận thức rõ tầm quan trọng của nhân tài trong sự phát triển quốc gia và trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nên Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 18 tháng 6 năm 1997 của Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Khóa VIII về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp, hiện đại hóa đất nước đã đặt ra nhiệm vụ: "Mở rộng diện đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong hệ thống chính trị và tổ chức xã hội, các thành phần kinh tế. Đặc biệt chú trọng phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo và quản lý các cấp từ Trung ương đến cơ sở; cán bộ khoa học đầu ngành; cán bộ quản lý kinh doanh các doanh nghiệp lớn". Từ đó đến nay, qua các kỳ Đại hội và Hội nghị Trung ương vấn đề "nhân tài" luôn được quan tâm đề cập với những định hướng cơ bản, chiến lược.

Cụ thể hóa chủ trương của Đảng, năm 2008 Quốc hội đã ban hành Luật Cán bộ, công chức; đến năm 2010 ban hành Luật Viên chức và mới đây trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức (năm 2019) đã định ra những cơ sở pháp lý cơ bản đối với chính sách nhân tài.

Tại Nghị quyết số 132/NQ-CP ngày 24/10/2018 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Kế hoạch số 10-KH/TW ngày 06/6/2018 của Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, Bộ Nội vụ được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng trình Chính phủ Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài, với những nội dung có trọng tâm, trọng điểm, nhất là các ngành, lĩnh vực mũi nhọn phục vụ cho phát triển nhanh, bền vững.

Thứ trưởng đề nghị thành viên Tổ chuyên gia, với kinh nghiệm và kiến thức của mình tập trung làm rõ các vấn đề liên quan đến phát hiện nhân tài, phân biệt được người có tài năng; sau khi phát hiện thì đặt ra cơ chế để thu hút. Cùng với đó là các vấn đề liên quan đến trọng dụng, sử dụng để làm sao “dụng nhân như dụng mộc” và cuối cùng là các chính sách đãi ngộ đối với nhân tài. 

Thứ trưởng khẳng định, đây là Đề án phải có tính khả thi, có tính thực tiễn cao để áp dụng trong thời gian tới.
Phó Vụ trưởng Vụ Công chức – Viên chức Lê Minh Hương công bố Quyết định thành lập Tổ chuyên gia

Tại buổi họp, Phó Vụ trưởng Vụ Công chức – Viên chức Lê Minh Hương đã công bố Quyết định số 191/QĐ- BNV ngày 20/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc thành lập Tổ chuyên gia xây dựng Đề án Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài, với 09 thành viên, do TS. Tạ Ngọc Hải, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Tổ chức nhà nước làm Tổ trưởng.
Phó Viện trưởng Viện Khoa học Tổ chức nhà nước, Tổ trưởng Tổ chuyên gia Tạ Ngọc Hải báo cáo Đề cương Đề án

Phó Viện trưởng Viện Khoa học Tổ chức nhà nước, Tổ trưởng Tổ chuyên gia Tạ Ngọc Hải báo cáo dự thảo Đề cương Đề án. Theo đó, mục tiêu chung của Đề án là thu hút, trọng dụng người có tài năng phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, đủ sức lãnh đạo đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Đối tượng của Đề án là tất cả các hoạt động phát hiện, thu hút, trọng dụng, đãi ngộ, đào tạo, bồi dưỡng đối với người có tài năng (nhân tài) ở trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài. Phạm vi Đề án đặt ra là các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập trên phạm vi cả nước.

Dự thảo Đề cương cũng nêu bật được các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp thu hút, trọng dụng nhân tài. 

Đáng lưu ý, về giải pháp sẽ chú trọng đổi mới công tác ứng cử, bầu cử, bổ nhiệm, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức. Gắn chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài với thực hiện lộ trình cải cách tiền lương phù hợp với từng nhóm đối tượng theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ, năng suất lao động, hiệu quả công tác và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, nguồn lực của đất nước. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phố biến nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân đối với phát hiện nhân tài. Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về người có triển vọng tài năng. Xây dựng quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập trong công tác phát hiện, thu hút, trọng dụng, đãi ngộ và đào tạo, bồi dưỡng đối với người có tài năng; xử lý nghiêm những người lợi dụng chính sách nhân tài để trục lợi, vi phạm pháp luật…

Thảo luận tại buổi họp, các thành viên Tổ chuyên gia cơ bản nhất trí với dự thảo Đề cương và cho rằng, đây là nhiệm vụ lớn của Đảng và Nhà nước, có tính bền vững, lâu dài nhằm phát hiện, trọng dụng đội ngũ nhân tài, phục vụ sự nghiệp phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế.

Tổ chuyên gia cũng chia sẻ những kinh nghiệm phát hiện, thu hút, trọng dung nhân tài ở các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc… Do đó, Tổ chuyên gia đề nghị thu hút cả các chuyên gia nước ngoài, với kinh nghiệm của họ sẽ giúp Việt Nam trong các mối quan hệ với nước ngoài, xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tiếp thu tinh hoa thế giới để áp dụng tại Việt Nam. 
Ông Lương Văn Tự, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại, Thành viên Tổ chuyên gia phát biểu tại buổi họp
Về các kiến nghị, đề xuất, Tổ chuyên gia đề nghị các chính sách phải được áp dụng có hiệu quả trong thực tiễn. Cho rằng, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài nhưng thực sự chưa hiệu quả, Tổ chuyên gia đề nghị nghiên cứu xem vướng mắc ở đâu để đưa ra các giải pháp thực hiện có hiệu quả.

Bên cạnh đó, Tổ chuyên gia cũng cho rằng:

Việc đầu tiên phải khái niệm thế nào là nhân tài và có “thang đo” cụ thể, lượng hóa được hệ thống tiêu chuẩn để đánh giá người tài, nếu không các chính sách sẽ trở thành lý thuyết và rất khó phát hiện ai là nhân tài. Phát hiện nhân tài như “đãi cát tìm vàng”, do đó, “phải chỉ ra được và nhận diện được nhân tài thế nào, nếu đãi cát tìm vàng mà không biết vàng thế nào thì tìm sao được?”. 

Thứ hai là việc phát hiện nhân tài phải từ thực tiễn, “chỉ có quần chúng Nhân dân mới đánh giá được một người có tài hay không”, phát hiện càng sớm càng tốt để đào tạo, bồi dưỡng và bố trí phù hợp với năng lực, sở trường để họ phát huy tốt nhất. 

Thứ ba là phải đề cao thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. “Một khi nguồn nhân lực không thuộc sở hữu của thủ trưởng cơ quan thì khó có thể phát hiện, trọng dụng nhân tài” – Tổ chuyên gia nhấn mạnh.

Không những vậy, phải xác định được những vị trí nào cần người tài. Khi sử dụng người tài, cần phải được đánh giá thường xuyên; đặc biệt, là tạo môi trường làm việc bình đẳng, minh bạch, thủ trưởng biết lắng nghe và tạo sự “tự do trong khuôn khổ” để người tài phát huy khả năng tốt nhất.

Về cơ chế thu hút, phải xác định thu hút từ đâu và phải có cơ chế đãi ngộ khác biệt mới có thể thu hút được nhân tài, đây sẽ là đường thông cho các cơ quan sử dụng nhân tài, có thể là cơ chế “dự án”, “chương trình đặc biệt” của Chính phủ và các cơ quan nhà nước.

Cùng với đó, Đề án cần xây dựng các phương thức tuyển dụng đặc biệt để hướng dẫn cho từng nhóm đối tượng. Không nên chú trọng bằng cấp mà cần chú trọng năng lực vì năng lực rất đa dạng, phù hợp với từng lĩnh vực. 

Đặc biệt, cần xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa các trường Đại học với các cơ quan nhà nước, việc này chúng ta đang yếu, trong khi đó các doanh nghiệp họ đã làm từ rất lâu. Do đó, các cơ quan nhà nước cần chủ động thực hiện, có thể xây dựng quỹ tài năng quốc gia để phát hiện, bồi dưỡng và thu hút nhân tài. Tức là xây dựng mối quan hệ cung cầu…
Quang cảnh buổi họp
Kết luận buổi họp, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến phát biểu tâm huyết, có trọng tâm của Tổ chuyên gia. Thứ trưởng đề nghị Vụ Công chức – Viên chức, Viện Khoa học Tổ chức nhà nước (cơ quan soạn thảo) tiếp thu đầy đủ ý kiến để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Đề cương Đề án, nghiên cứu bổ sung các kiến nghị, đề xuất của Tổ chuyên gia.

Trong thời gian tới, Thứ trưởng đề nghị Tổ chuyên gia phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên xây dựng các chuyên đề; mạnh dạn đưa ra các kiến nghị, đề xuất với Đảng và Nhà nước phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam./.
Nguồn: https://www.moha.gov.vn/

Website liên kết