TIN TỨC -> NGHIÊN CỨU - BÌNH LUẬN TIN TỨC -> NGHIÊN CỨU - BÌNH LUẬN

חזרה
Cải cách khu vực công - cơ hội và thách thức đối với phụ nữ và công tác hội phụ nữ ở khu vực công
TCCSĐT - Cải cách khu vực công là nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả trong quá trình quản lý của bộ máy nhà nước, cũng như trong cung cấp dịch vụ công, nhất là với các quốc gia chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa như nước ta. Quá trình cải cách sẽ tác động trực tiếp đến bộ máy, cơ chế vận hành của bộ máy nhà nước, đến quan hệ, số lượng và chất lượng nhân lực nói chung, nhân lực nữ nói riêng, trong khu vực công, đến tương quan giữa việc làm và mức hưởng thụ… Như vậy, nó cũng sẽ đặt ra cả cơ hội lẫn thách thức với phụ nữ và công tác hội phụ nữ ở khu vực công.

Ảnh minh họa

      Khu vực công có hai chức năng chủ yếu, một là bảo đảm trật tự xã hội thông qua các hoạt động quản lý của nhà nước và hai là hoạt động sản xuất và cung cấp hàng hóa và dịch vụ công cộng phục vụ nhu cầu thiết yếu của xã hội do các đơn vị sự nghiệp công hoặc các doanh nghiệp đảm nhận. Chính vì vậy khu vực công có vai trò quan trọng, không chỉ là công cụ để qua đó nhà nước can thiệp bảo đảm môi trường phát triển, đồng thời còn điều tiết, dẫn dắt sự phát triển thông qua trực tiếp cung cấp hàng hóa và dịch vụ, trực tiếp quản lý và đầu tư phát triển một số lĩnh vực gắn liền an ninh quốc gia.
      Phạm vi hoạt động của khu vực công rất rộng từ việc thực hiện quyền quản lý nhà nước tới việc cung cấp các hàng hóa và dịch vụ phục vụ nhu cầu tiêu dùng của công dân và các tổ chức trong xã hội. Tuy nhiên, khó có thể định hình chính xác các lĩnh vực của xã hội thuộc khu vực công. Tùy theo quan điểm và định hướng phát triển của mỗi quốc gia mà phạm vi của khu vực công được xác định khác nhau. Ngay trong một quốc gia, phạm vi hoạt động của khu vực công trong những giai đoạn khác nhau cũng không giống nhau. Để thực hiện hai chức năng này, các quốc gia phải xây dựng bộ máy quản lý nhà nước, các đơn vị sự nghiệp của nhà nước và các doanh nghiệp nhà nước.
Với sự thay đổi của môi trường kinh tế - xã hội, yêu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống và hiệu quả hoạt động, đòi hỏi khu vực công phải cải cách. Nói cách khác, cải cách khu vực công là những thay đổi có chủ đích và mang tính hệ thống của nhà nước nhằm nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của khu vực công, đáp ứng những đòi hỏi của xã hội về các dịch vụ thiết yếu.

Hiện nay, nước ta đang trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, để duy trì tốc độ tăng trưởng, bảo đảm cung cấp các dịch vụ đáp ứng các yêu cầu ngày càng tăng của xã hội cần phải đẩy mạnh cải cách khu vực công theo hướng nâng cao hiệu quả quản lý của bộ máy, giảm bớt các công việc nhà nước trực tiếp đảm nhận, tăng cường sự tham gia của các đối tác trong xã hội. Cải cách khu vực công được tập trung vào các lĩnh vực như: Cải cách cơ cấu tổ chức bộ máy và cơ chế vận hành của bộ máy nhà nước (lập pháp, hành pháp và tư pháp); Cải cách phương thức quản lý nguồn nhân lực trong khu vực công; Cải cách doanh nghiệp nhà nước; Cải cách hoạt động của hệ thống quản lý ngân sách và tài chính công; Và cải cách phương thức cung cấp dịch vụ công.

      Cải cách khu vực công với các nội dung đa dạng như trên sẽ tác động từ các chiều cạnh và phương thức khác nhau đến phụ nữ và hoạt động hội phụ nữ. Các phương thức tác động này cần được nhìn nhận một cách toàn diện, từ đó mới nhận diện được đầy đủ các cơ hội cũng như các thách thức đặt ra:

     Thứ nhất, tác động của cải cách khu vực công đến phụ nữ chính là tác động của chủ thể quản lý đến khách thể quản lý. Đây là sự tác động trực tiếp. Một mặt, đó là sự thay đổi quản lý ở khu vực công, làm quan hệ lao động trong khu vực này biến đổi, buộc người lao động phải thích ứng và biến đổi theo, đáp ứng yêu cầu công việc. Những phương thức, cách thức quản lý mới được triển khai sẽ làm thay đổi thói quen, cũng như cách thức tác nghiệp, đòi hỏi người lao động phải nâng cao trình độ thông qua quá trình đào tạo hoặc tự đào tạo. Điều này sẽ đặt ra thách thức với người lao động, nhất là những lao động có thâm niên, đứng tuổi. Mặt khác, phương thức quản lý thay đổi thường đi theo các phương tiện và công cụ quản lý mới được áp dụng. Chẳng hạn quá trình tin học hóa, phương thức, cách thức hạch toán mới, và theo đó xác định vị trí việc làm cũng thay đổi, không phải người lao động nào cũng có thể thích ứng ngay.

      Thứ hai, tác động của cải cách khu vực công đến lao động nói chung, lao động nữ nói riêng không chỉ chiều thuận mà cả chiều nghịch, nói cách khác có cả cơ hội và thách thức. Thách thức đi liền cơ hội, đan xen và chuyển hóa lẫn nhau tùy thuộc điều kiện và năng lực của người lao động. Như vậy có thể nói trong cải cách, cơ hội đặt ra với người này, song lại có thể là thách thức với người khác và ngược lại thách thức với người này, nhóm này song lại là cơ hội với người khác và nhóm khác. Điều này đặt ra yêu cầu với người lao động phải chấp nhận sự lưu chuyển của lao động và thường xuyên nâng cao trình độ.
      Thứ ba, quá trình cải cách khu vực công cũng như tốc độ cải cách phụ thuộc cơ bản vào chủ thể và điều kiện quá trình cải cách. Chính quy mô và tốc độ cải cách cũng đặt ra các cơ hội và thách thức khác nhau trong toàn tiến trình cải cách. Như vậy, bản thân cơ hội và thách thức cũng không phải bất biến. Điều này đặt ra yêu cầu với chủ thể quá trình cải cách khu vực công cần xác định quy mô và lộ trình cải cách hợp lý, tránh áp lực quá lớn với người lao động nói chung, lao động nữ nói riêng.
      Thứ tư, một khi môi trường hoạt động khu vực công thay đổi trong cải cách thì bản thân các tổ chức chính trị xã hội, trong đó có Hội phụ nữ cũng phải điều chỉnh phương cách hoạt động cho phù hợp. Đáng chú ý là các doanh nghiệp nhà nước, trong quá trình hoạt động cung cấp hàng hóa và dịch vụ phải tuân theo các quy luật thị trường, hiệu quả là mệnh lệnh của sản xuất. Do vậy sinh hoạt hội cũng phải tính toán cho thật sự hợp lý, hiệu quả, tránh hình thức. Phải chăng nên suy nghĩ đổi mới tư duy về động lực tập hợp lao động nữ, không phải chỉ hướng đến những chính sách hỗ trợ mà chủ yếu hướng đến thúc đẩy chị em phát huy sở trường của nữ giới trong lao động, quản lý để chị em lao động có năng suất cao, nhiều người tham gia hiệu quả trong vai trò là người lãnh đạo, quản lý. Nếu như vậy chị em sẽ có động lực vươn lên trong cải cách, trong việc thích ứng với các cơ hội và thách thức do cải cách khu vực công đặt ra.
      Thứ năm, cải cách khu vực công không chỉ tác động trực tiếp đến lao động nữ mà còn có cả những tác động gián tiếp cần được nhận biết, những tác động này không chỉ về vật chất mà cả khía cạnh tinh thần. Bởi lẽ, cải cách khu vực công là hoạt động hướng tới nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước, nâng cao hiệu quả nguồn lực khu vực công và thu hút nguồn lực xã hội trong cung ứng hàng hóa, dịch vụ công. Những cải cách này làm thay đổi bộ máy quản lý, thay đổi quan hệ giữa các chủ thể và quan hệ giữa chủ thể với khách thể quản lý, đồng thời thay đổi cả quan hệ khu vực công với khu vực tư. Những thay đổi này không chỉ tác động đến lao động, việc làm của phụ nữ mà còn đến những người lao động nói chung, đó là chồng, con, em của những lao động nữ. Sự thành công hay không của số lao động liên quan này sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động của lao động nữ, đến vai trò của người phụ nữ cả trong gia đình và ngoài xã hội, cả trong hoạt động cá nhân cũng như tham gia hoạt động hội, hoạt động cộng đồng.
      Về cơ hội đặt ra đối với lao động nữ trong tiến trình cải cách khu vực công có thể nhận thấy như sau:
      Thứ nhất, quá trình cải cách khu vực công chính là cơ hội để phụ nữ thực hiện vai trò chủ thể của mình trong quá trình cải cách, qua đó khẳng định vị thế và sự đóng góp của phụ nữ trong quá trình đổi mới, cải cách.
Cải cách khu vực công trong quá trình đổi mới chuyển sang nền kinh tế thị trường là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, trong đó phụ nữ là lực lượng quan trọng, vừa là người thực hiện quá trình này, đồng thời là người được hưởng lợi từ chính quá trình đổi mới cải cách.
Hiện nay phụ nữ chiếm hơn 50% lực lượng lao động, và Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ phụ nữ tham gia công tác quản lý và hoạt động chính trị khá cao. Chính trong quá trình cải cách khu vực công, phụ nữ, với tính cách là chủ thể của quá trình này, có thể tham gia ngay vào quá trình hình thành chính sách, lộ trình, giải pháp của quá trình cải cách. Điều này làm cho cải cách có tính hiện thực hơn, phù hợp hơn với lực lượng lao động nữ. Chẳng hạn, thiết kế chính sách thị trường lao động phù hợp, như về chế độ nghỉ thai sản, sa thải, dưỡng bệnh, nghỉ bắt buộc… trong việc sinh đẻ để tạo điều kiện cho phụ nữ có cơ hội tham gia công việc, đồng thời chăm sóc gia đình.
Như vậy có thể nói, chính quá trình cải cách khu vực công tạo ra môi trường và điều kiện cho phụ nữ thể hiện mình, khẳng định vai trò, vị trí của mình trong các quá trình kinh tế - xã hội nói chung, trong cải cách khu vực công nói riêng. Cũng trong quá trình này, tạo ra môi trường mới cho hoạt động của hội, thúc đẩy hội đổi mới các phương thức hoạt động cho hiệu quả hơn. Theo bà Phan Kiều Anh, Giám đốc Chương trình của Tổ chức Kenan tại Việt Nam, phụ nữ không chỉ giúp cất lên tiếng nói của các nhóm yếu thế như nhóm dân tộc thiểu số và người khuyết tật, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc vận động chính sách để tạo ra những thay đổi tích cực.
      Thứ hai, đẩy mạnh cải cách khu vực công, trong đó có nội dung cải cách hành chính, hoàn thiện thể chế nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở ra cơ hội thực hiện sự bình đẳng giới.
Cải cách hành chính và thể chế để tạo lập quyền và cơ hội bình đẳng cho phụ nữ và nam giới. Cải cách pháp lý sẽ tăng cường bình đẳng giới rõ nét nhất qua: Luật Hôn nhân gia đình, Luật Chống bạo hành, bạo lực, quyền về đất đai, luật lao động, quyền chính trị. Việc này sẽ tạo môi trường cho sự bình đẳng về cơ hội và quyền lực, hai yếu tố thiết yếu để đạt được bình đẳng giới trên các phương diện khác như giáo dục, y tế và tham gia hoạt động quản lý và hoạt động chính trị.
Bình đẳng giới là một vấn đề được Đảng và Nhà nước luôn quan tâm. Việt Nam đã có nhiều nỗ lực cải thiện khung pháp lý nhằm thực hiện bình đẳng giới như việc Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật Bình đẳng giới hay đưa bình đẳng giới lồng ghép vào các bộ luật và chính sách được ban hành. Trong xu thế phát triển chung, cải cách khu vực công nhằm hướng tới khai thác tốt nhất và hiệu quả các nguồn lực. Chính vì vậy các quy định sẽ được tường minh, các cơ hội với mọi người sẽ được pháp luật bảo đảm công bằng. Người phụ nữ có thể tham gia vào các lĩnh vực của đời sống xã hội tùy theo năng lực và sở trường như người nam giới. 
      Thứ ba, cải cách, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, hiện đại hóa nền hành chính tạo cơ hội gia tăng việc làm và thu nhập cho người lao động, nhất là với lao động nữ.
Đẩy mạnh cải cách, phát triển kinh tế, nâng cao năng suất lao động sẽ tạo nhiều cơ hội việc làm cho phụ nữ, thu nhập cao hơn, và mức sống tốt hơn. Đầu tư có trọng điểm vào kết cấu hạ tầng và giảm bớt chi phí cá nhân cho phụ nữ khi thực hiện vai trò của họ trong gia đình sẽ có thể giúp họ có thêm thời gian để tham gia vào các hoạt động khác, dù là để tạo thu nhập hay làm công tác xã hội.
Cổ phần hóa là con đường nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, cũng như nâng cao vai trò và trách nhiệm của người lao động khi chính họ trở thành những cổ đông. Cùng với đó hiện đại hóa nền hành chính, tạo môi trường làm việc văn minh, hiện đại, giảm áp lực và thời gian cho các thủ tục hành chính phiền hà với người lao động, trong đó phần nhiều là các công việc liên quan đến lao động nữ gánh vác, do vậy họ có điều kiện tập trung vào chuyên môn, nâng cao tay nghề, qua đó gia tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, nâng cao vai trò người phụ nữ
      Thứ tư, tạo điều kiện làm việc thuận lợi và thúc đẩy phụ nữ học tập, nâng cao trình độ, từ đó tham gia ngày càng nhiều và hiệu quả vào các hoạt động xã hội, nâng cao vị thế vai trò của phụ nữ.
Cải cách khu vực công đòi hỏi phụ nữ nâng cao trình độ nhằm đáp ứng yêu cầu của quá trình cải cách. Việc cải cách khu vực công chính là sự thay đổi quan hệ lao động, là sự đổi mới phương cách và công cụ trong quá trình hoạt động. Điều đó đặt ra yêu cầu thúc đẩy người lao động phải nâng cao trình độ, phải hoàn thiện các kỹ năng trong quá trình lao động hoặc hoạt động sản xuất trong các doanh nghiệp
Và với quá trình đổi mới về thể chế, quy định theo hướng hoàn thiện, thuận tiện hơn đối với người lao động, nên bản thân phụ nữ có điều kiện học tập, có thể học tập qua trường lớp hay học tập qua tập huấn, kèm cặp theo vị trí công việc. Đặc biệt với việc hiện đại hóa và tin học hóa sẽ giảm bớt gánh nặng công việc cho phụ nữ, nhất là đối với mảng công việc tài chính, văn phòng, thường là nơi lao động nữ tập trung. Do vậy, phụ nữ có thời gian cho học tập nâng cao trình độ. Và với năng lực được cải thiện và sự giảm tải trong công việc do hiện đại hóa trang thiết bị, phụ nữ có điều kiện tham gia vào các hoạt động xã hội, giao lưu mở rộng quan hệ xã hội.
Thứ năm, tạo điều kiện mới phát huy vai trò của tổ chức Hội phụ nữ, nhất là ở cơ sở. Cải cách việc làm, phương thức quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động, mở ra điều kiện mới cho hoạt động của Hội Phụ nữ. Bản thân người phụ nữ được tham gia vào công việc, có vị trí và thu nhập ổn định là cơ sở rất quan trọng bảo đảm cuộc sống gia đình và là điều kiện cho phụ nữ tự tin tham gia các sinh hoạt hội. Chính sự tự tin và có điều kiện về kinh tế sẽ làm đa dạng hóa các hoạt động hội, chuyển dần từ những hoạt động hỗ trợ là chính sang hoạt động giải trí, từ thiện, nâng cao trình độ và chất lượng cuộc sống của phụ nữ.

Chính trong điều kiện có sự chuyển đổi nhu cầu và hình thức sinh hoạt hội, bản thân hội cũng được thúc đẩy và hoàn thiện các hình thức sinh hoạt hội của phụ nữ trong khu vực công. Qua việc đa dạng hóa hình thức hoạt động, hướng đến nâng cao chất lượng cuộc sống cả về vật chất và tinh thần cho người lao động nữ, mà vai trò của hội cũng được phát huy.
      Về thách thức đặt ra đối với phụ nữ và công tác hội trong cải cách khu vực công có thể nhận thấy như sau:
      Thứ nhất, cải cách khu vực công, bước đầu làm thay đổi vị trí việc làm, có thể tạo ra sự bất ổn trong công việc và thu nhập của lao động. Trong cải cách, việc thay đổi việc làm cũng như thu nhập là việc khó tránh khỏi. Việc tận dụng cơ hội của chị em, so với nam giới có hạn chế hơn. Do vậy, nếu tính toán không hợp lý lộ trình và tốc độ cải cách, quá trình cải cách vô hình chung có thể duy trì sự tách biệt về giới trên thị trường lao động, làm gia tăng tình trạng dễ bị tổn thương của lao động nữ và duy trì khoảng cách tiền lương giữa hai giới.

Tuy trong cải cách, mở rộng hợp tác công - tư cơ hội việc làm lớn hơn nhưng phần lớn phụ nữ vẫn ít có cơ hội tiếp cận do trình độ, tay nghề, kỹ năng nghề nghiệp, ngoại ngữ, tin học... chưa đáp ứng được yêu cầu cao của công việc mới; hạn chế trong khả năng thích ứng với những thay đổi trong công việc. Mặt khác, theo xu hướng cải cách, đầu tư của Nhà nước sẽ tập trung vào ngành có giá trị gia tăng cao như: dịch vụ tài chính, ngân hàng, viễn thông… sẽ dẫn đến sự thu hẹp việc làm và giảm thu nhập của lao động nữ vì các lao động nữ hiện nay chủ yếu tập trung ở các ngành công nghiệp nhẹ như sản xuất giày da, may, chế biến nông sản. Hơn nữa cũng do việc cải cách hành chính, vận dụng các công nghệ hiện đại trong quản lý cho nên số lượng việc làm, nhất là việc phổ thông trong văn phòng, nơi thường chủ yếu là công việc nữ giới cũng sẽ giảm đi tương đối, làm cho cạnh tranh công việc gia tăng.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp tuyển lao động nữ lại đưa thêm quy định ngoài luật lao động, như quy định về kết hôn và sinh con, hay việc nhiều doanh nghiệp không thực hiện chế độ lao động nữ làm công việc nặng nhọc khi có thai đến tháng thứ 7 được chuyển sang làm công việc nhẹ nhàng hơn. Vì vậy, trước sự cạnh tranh công việc tăng lên, điều kiện đáp ứng của phụ nữ do nguyên nhân khách quan thuộc về thiên chức phụ nữ, dẫn đến nguy cơ bất ổn định trong việc làm, suy giảm thu nhập, thậm chí khả năng mất việc trong một bộ phận lao động sẽ xảy ra.
      Thứ hai, thách thức trong tham gia các hoạt động quản lý, các hoạt động xã hội và chính trị. Từ góc độ quản trị, cải cách khu vực công chính là cải cách quản trị quốc gia, hướng đến bộ máy tinh gọn và quản trị hiệu quả, yêu cầu về nhân sự ngày càng cao không chỉ về trình độ mà còn nhiệt huyết và đầu tư thời gian, sức lực. Như vậy áp lực với phụ nữ ngày càng cao hơn. Mặc dù, phụ nữ có những khác biệt về cấu trúc sinh học với nam giới, song thực tế chứng minh, họ hoàn toàn có thể đáp ứng đòi hỏi công việc trong khu vực công như các đồng nghiệp nam, nếu có sự bình đẳng trong điều kiện và cơ hội. Tuy nhiên, với truyền thống văn hóa Á Đông, phụ nữ Việt Nam đang còn chịu nhiều áp lực bởi tập quán khuôn mẫu về vai trò giới truyền thống, phụ nữ được trông đợi ở vai trò chính duy trì gia đình và chăm sóc con cái hơn là tham gia các hoạt động xã hội. Điều này đã phần nào hạn chế sự tham gia của phụ nữ trên các lĩnh vực và tham gia vào các vị trí quản lý, lãnh đạo.
Bên cạnh áp lực trong quan niệm cũ, thực tế trong công việc người phụ nữ cũng mất nhiều thời gian cho hoạt động thực hiện thiên chức, họ bị gián đoạn trong quá trình phấn đấu công tác nên về quy định trong tiêu chuẩn đề bạt, thăng tiến trong khu vực công họ luôn bất lợi, thua kém các đồng nghiệp nam. Đó là chưa nói đến việc gián đoạn thời gian công tác còn ảnh hưởng đến việc tiếp cận, bổ sung, cập nhật những kiến thức mới trong lĩnh vực công tác của mình, ảnh hưởng đến sự sáng tạo và hiệu quả trong hoạt động lãnh đạo, quản lý. 

      Thứ ba, thách thức trong cân bằng hài hòa giữa việc công và việc gia đình, trong tổ chức xây dựng gia đình hạnh phúc. Theo số liệu điều tra cho thấy phụ nữ Việt Nam làm việc nhà nhiều gấp 2 đến 3 lần so với nam giới. Ngoài giờ đi làm, kiếm sống như nam giới, phụ nữ còn phải gánh trách nhiệm chính trong công việc gia đình. Họ thường phải làm việc từ 12-16 giờ trong ngày, nhưng tổng thu nhập của lao động nữ chỉ bằng 86% của nam giới. So với nam giới, gánh nặng công việc không được trả công đã hạn chế khả năng tiếp cận của phụ nữ đến các cơ hội kinh tế và năng lực tham gia của họ vào các công việc được trả công, làm tăng mức độ stress của họ và có tác động đến quan hệ quyền lực trong gia đình.

Cải cách khu vực công đặt ra yêu cầu cao với người lao động. Nếu lao động nữ cũng phấn đấu bảo đảm như những đồng nghiệp nam trong công việc, chắc họ không đủ sức đảm việc nhà với khối lượng như trên trong thời gian dài, nếu như không có sự sẻ chia, gánh vác của chồng, con. Đặc biệt trong điều kiện các nước đang phát triển, như Việt Nam, các dịch vụ xã hội liên quan đến cuộc sống con người còn nhiều hạn chế, để bảo đảm cân bằng, vừa làm tốt việc nhà và công việc xã hội là một bài toán không đơn giản đối với phụ nữ, nói cách khác đó chính là thách thức trong xây dựng gia đình hạnh phúc. Trong trường hợp này, không ít gia đình có sự sẻ chia công việc hài hòa giữa vợ và chồng, song thường là người phụ nữ, “lui” về làm hậu phương để người chồng phấn đấu sự nghiệp. Do vậy cơ hội tham gia quản lý, lãnh đạo của chị em càng bị hạn chế.

      Thứ tư, thách thức với công tác Hội phụ nữ trong quá trình cải cách khu vực công. Có thể thấy, quá trình cải cách đã góp phần làm thay đổi môi trường hoạt động hội, cụ thể: 1-Nhận thức về vai trò phụ nữ ngày càng đầy đủ, rõ hơn và được thừa nhận, bảo đảm cả về pháp lý; 2-Trình độ của phụ nữ cũng được nâng cao, chị em có nhiều điều kiện học tập nâng cao trình độ; 3-Mối quan tâm của phụ nữ không còn tập trung vào việc cơm áo, mà có chú ý hơn đến nhu cầu tinh thần; 4- Điều kiện làm việc của phụ nữ cũng như điều kiện cho hoạt động hội phụ nữ được cải thiện do ứng dụng những thành tựu của khoa học-công nghệ, cùng với đó, các dịch vụ xã hội ngày càng phát triển đã giảm bớt áp lực công việc gia đình; 5- Tác động quá trình hội nhập, nhất là việc tham gia các FTA mới, làm thay đổi các điều kiện hoạt động của các tổ chức quần chúng như công đoàn, hội phụ nữ, nên cách thức tập hợp, vận động cũng thay đổi. Chẳng hạn hội sẽ phải tập trung đến việc phối hợp với các đơn vị chuyên ngành nhằm thúc đẩy đào tạo kịp thời, bổ sung kiến thức mới theo yêu cầu công việc cho các lao động có khả năng phải chuyển đổi công việc. Đây có lẽ là công việc cần kíp và thách thức trực tiếp nhất đặt ra với hoạt động của hội. Hơn nữa hội cũng phải đổi mới cách thức tuyên truyền vận động để chị em chủ động, tích cực tham gia vào quá trình cải cách, để đẩy nhanh cũng như bảo đảm hiệu quả của cải cách.

Trong quá trình cải cách khu vực công, chất lượng lao động đòi hỏi cao hơn, trong khi số lượng lao động lại giảm đi tương đối, do quá trình hiện đại hóa cũng như việc mở rộng hợp tác công - tư trong cung cấp các hàng hóa và dịch vụ công. Nói cách khác áp lực công việc gia tăng, nên việc vận động chị em tham gia vào các hoạt động chung của hội cũng cần đổi mới. Người lao động cần nhiều hơn các hoạt động thư giãn, các hoạt động chia sẻ khó khăn trong công việc, trong cân bằng giữa nhiệm vụ gia đình với nhiệm vụ xã hội.

Tóm lại, cải cách khu vực công không chỉ đưa đến các cơ hội mà còn cả thách thức với đội ngũ lao động nữ cũng như hoạt động của Hội phụ nữ. Để giảm bớt tác động, cũng như tranh thủ cơ hội rất cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền, trong việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về vị trí, vai trò của phụ nữ, về bình đẳng giới, đi liền với đó là thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về bình đẳng giới thành các quy định cụ thể. Bên cạnh đó, phụ nữ cần chủ động học tập nâng cao trình độ chuyên môn để đáp ứng nhu cầu công việc. Hội cần đổi mới phương thức vận động, tập hợp chị em phụ nữ tham gia sinh hoạt hội trong khu vực công; nghiên cứu và đề xuất với các cơ quan của Đảng và nhà nước, kể cả ở Trung ương, địa phương và các đơn vị sự nghiệp công lập xây dựng những quy định cụ thể hơn về số lượng phụ nữ đảm nhiệm vai trò lãnh đạo ở các cơ quan, đơn vị khu vực công, thiết lập các mạng lưới chuyên ngành cho phụ nữ, giúp phụ nữ có động lực và tham gia nhiều hơn quá trình cải cách khu vực công nói riêng, vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung./.


Website liên kết