TIN TỨC -> NGHIÊN CỨU - BÌNH LUẬN TIN TỨC -> NGHIÊN CỨU - BÌNH LUẬN

Back
Chuyển đổi số – Xu hướng phát triển tất yếu
Trong thời gian gần đây, khái niệm “chuyển đổi số” (Digital Transformation) đã trở thành đề tài được nhiều phương tiện truyền thông và các địa phương nhắc đến. Đây được xem là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, dữ liệu lớn, điện toán đám mây và chuỗi khối là những công nghệ số quan trọng, hỗ trợ đắc lực cho quá trình chuyển đổi số diễn ra thành công.

Kể từ năm 1985 đến nay, nhân loại đã và đang chứng kiến 03 làn sóng công nghệ, mỗi làn sóng kéo dài khoảng 15 năm. 
- Làn sóng thứ nhất là làn sóng số hóa thông tin, chuyển các tài liệu từ bản giấy sang bản điện tử.
- Làn sóng thứ hai là làn sóng số hóa quy trình nghiệp vụ, tin học hóa các quy trình nghiệp vụ để nâng cao năng suất, hiệu quả.
- Làn sóng thứ ba là làn sóng chuyển đổi số đưa toàn bộ hoạt động từ xã hội thực lên không gian mạng, từ môi trường truyền thống sang môi trường số.

Chuyển đổi số mở ra cơ hội vô cùng quý giá cho các quốc gia để phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Chính phủ số giúp Chính phủ hoạt động hiệu quả, hiệu lực hơn, minh bạch hơn, giảm tham nhũng. Kinh tế số thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra giá trị mới, giúp tăng năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng mới, thoát bẫy thu nhập trung bình. Xã hội số giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, thu hẹp khoảng cách phát triển, giảm bất bình đẳng. Các ngành, lĩnh vực được tối ưu, thông minh hoá hướng đến nâng cao trải nghiệm và chất lượng cuộc sống của người dân. 

Vì vậy, để gia tăng năng suất, giảm chi phí, mở rộng không gian phát triển, đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả quản trị, đáp ứng yêu cầu công cuộc cải cách hành chính nhà nước giai đoạn mới, tạo thêm nhiều giá trị mới tốt đẹp và hội nhập sâu rộng, hiệu quả vào nền kinh tế thế giới giữa bối cảnh thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam phải tận dụng tốt cơ hội từ chuyển đổi số. Nếu chúng ta không tiến khi người khác tiến là chúng ta tụt lại phía sau. 

Tuy nhiên, theo khẳng định của giới chuyên gia, các nhà quản lý, đây là vấn đề mới mẻ, chưa có tiền lệ ở Việt Nam nói riêng và rất nhiều nước trên thế giới nói chung. Quá trình này yêu cầu tầm nhìn phải thay thế kinh nghiệm. Do đó, chuyển đổi số sẽ đặt ra không ít khó khăn, thử thách khi triển khai. Khó khăn lớn nhất của chuyển đổi số là thay đổi thói quen và thách thức lớn nhất của chuyển đổi số là có nhận thức đúng. Rõ ràng, chuyển đổi số bắt đầu từ những công nghệ nhưng chuyển đổi số không phải chỉ là công nghệ số mà quan trọng hơn, chuyển đổi số là chấp nhận cái mới, là cuộc cách mạng về tư duy, nhận thức, thể chế và chính sách.

Giống như mọi vấn đề khác, chuyển đổi số cũng có tính hai mặt. Nó có thể mang lại nhiều giá trị tốt đẹp lớn lao nhưng cũng là nguồn gốc của những tác hại khủng khiếp từ rủi ro mất an toàn, an ninh mạng mà chúng ta chưa thể hình dung hết được ở thời điểm hiện nay. 

Vì vậy, khi tham gia vào quá trình chuyển đổi số, chúng ta cần xác định lộ trình riêng, thích hợp với từng tổ chức, từng cá nhân. Mỗi người dân phải tự có ý thức và thói quen đúng bảo vệ mình trong môi trường số như bảo vệ mình trong môi trường thực. Đặc biệt, không ngừng học hỏi, không ngừng nâng cao nhận thức, mỗi ngày mỗi người tự học cho mình những điều mới. Khi đã 76 tuổi, Bác Hồ vẫn nói: Tự tôi, ngày nào cũng học. Nếu có điều chưa biết, hãy tìm hiểu, học hỏi và học từ những người xung quanh, từ những gì đã có sẵn, được chia sẻ từ những địa chỉ tin cậy. Nếu có điều gì đã biết, đã tâm đắc, hãy hướng dẫn, chia sẻ với những người xung quanh. Người trẻ hướng dẫn người già và trẻ em. Người biết nhiều hướng dẫn người biết ít, người biết ít hướng dẫn người chưa biết. Việc hướng dẫn, chia sẻ với mọi người kỹ năng số là giúp cho chính mình có một thế giới số an toàn, lành mạnh và tốt đẹp hơn (Trích “Cẩm nang chuyển đổi số” - Bộ Thông tin và Truyền thông)./.

Kim Hằng, Phòng Cải cách hành chính

Trang 1/19
Website liên kết