TIN TỨC -> NGHIÊN CỨU - BÌNH LUẬN
Kết quả bước đầu trong thực hiện tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính qua đường bưu chính công ích
Theo chia sẻ của đồng chí Nguyễn Ngọc Thơ - Phó Giám đốc phụ trách Bưu điện tỉnh, hiện nay trên toàn tỉnh có 84 điểm phục vụ thuộc Bưu điện tỉnh thực hiện tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích (BCCI) đối với 683 TTHC. Ngoài ra, Bưu điện tỉnh còn bố trí 1 quầy tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh để phục vụ người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, để thực hiện có hiệu quả Quyết định số 45, Bưu điện tỉnh đã ký thỏa thuận hợp tác với các sở, ban ngành, UBND huyện, thị, thành phố về việc triển khai tiếp nhận hồ sơ trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ BCCI trên phạm vi toàn tỉnh. Đặc biệt, UBND tỉnh cho phép thực hiện thí điểm chuyển giao dịch vụ hành chính công cho bưu điện tham gia hỗ trợ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của 6 sở tại Trung tâm Phục vụ hành chính công. Song song đó, công tác đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ tiếp nhận hồ sơ và chuyển trả kết quả giải quyết TTHC cũng được bưu điện phối hợp thực hiện tốt, nhằm nâng cao nhận thức về vai trò và đảm bảo chất lượng dịch vụ theo đúng quy định. Bưu điện tỉnh đã thực hiện kết nối mạng thông tin với dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Qua đó, đã tạo điều kiện cho người dân có thể đăng ký sử dụng dịch vụ của bưu điện ngay trên cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh… Kết quả, đến nay việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ BCCI đã đi vào thực tế, phục vụ có hiệu quả nhu cầu của tổ chức, cá nhân. Chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cao. 100% hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC được phát đến địa chỉ nhận trong tình trạng không bị hư hỏng, suy suyển hoặc ảnh hưởng tới nội dung bên trong, không có trường hợp nào bị mất trong quá trình chuyển phát, không có trường hợp nào phải bồi thường thiệt hại, đảm bảo thời gian toàn trình như cam kết với người dân nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện TTHC, giảm thiểu đối đa việc đi lại nhiều lần để làm thủ tục nộp hồ sơ, tiết kiệm thời gian và chi phí tuân thủ TTHC.
Bưu điện tỉnh bố trí 1 quầy tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh để nhận chuyển phát kết quả hồ sơ cho người dân, doanh nghiệp. Ảnh: H.LAN
Những kết quả đó đã được người dân ghi nhận và tin tưởng sử dụng dịch vụ BCCI. Cô Nguyễn Thị Húng, ở xã Trinh Phú, huyện Kế Sách đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh làm lại chứng minh nhân dân do bị mất. Do không biết chạy xe, cô phải thuê xe ôm đi về mất 150.000 đồng. Vì vậy, cô chọn gửi kết quả về tận nhà nhanh chóng, tiện lợi mà chỉ tốn hơn 26.000 đồng thay vì phải đón một chuyến xe lên tỉnh nhận kết quả, vừa mất thời gian lại tốn kém. Cùng suy nghĩ với cô Húng, chị Bùi Thị Ven, ở thị trấn Kế Sách, huyện Kế Sách cũng chọn gửi kết quả TTHC về Bình Dương (nơi chị đang làm công nhân) cho tiện. Bởi chị đã mất vài ngày công lao động để về quê xin cấp mới chứng minh nhân dân do bị cháy.
Chính sự vào cuộc của các sở, ban ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và nỗ lực của Bưu điện tỉnh đã từng bước nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Từ đó, tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ BCCI tăng từng năm, chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2020, số lượng TTHC được tiếp nhận và chuyển trả qua đường bưu điện là 57.864 hồ sơ, trong đó hồ sơ tiếp nhận là 11.628.
Tuy nhiên, nhận thức của người dân về dịch vụ BCCI thực hiện nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC còn hạn chế và thực tế hiện nay bưu điện chủ yếu thực hiện tại khâu chuyển trả kết quả. Bởi người dân còn có tâm lý e ngại, sợ mất giấy tờ gốc khi sử dụng dịch vụ. Tổ chức, cá nhân vẫn duy trì thói quen đến trực tiếp giải quyết TTHC tại các cơ quan hành chính cho yên tâm. Đó chính là cái khó chung của nhiều sở, ngành hiện nay. Điển hình là Sở Xây dựng, theo lãnh đạo đơn vị này, mặc dù được UBND tỉnh phê duyệt sở có 23 TTHC được triển khai qua dịch vụ BCCI. Tuy nhiên, thời gian qua người dân, doanh nghiệp ít quan tâm đến dịch vụ này, thậm chí không sử dụng, làm ảnh hưởng rất lớn đến chỉ số CCHC của sở và chỉ số năng lực cạnh tranh của các sở, ngành và UBND cấp huyện và của tỉnh. Tương tự đối với dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, do đặc thù chuyên ngành kỹ thuật, thành phần hồ sơ là hệ thống bản vẽ khổ A3 đến A4 (tương đương từ 7 đến vài chục trang) nên người dân, doanh nghiệp không scan vì không có các loại máy móc tương ứng, cũng như quyền tác giả thiết kế bản vẽ… Vì vậy, thay vì nộp “trực tuyến” và nhận kết quả qua đường BCCI thì họ vẫn theo thói quen nộp trực tiếp nên cho đến nay việc triển khai dịch vụ công mức độ 3, 4 vẫn không đạt tỷ lệ theo yêu cầu.
Người dân vẫn giữ thói quen nộp hồ sơ “trực tiếp” thay vì thông qua dịch vụ BBCI. Ảnh: H.LAN
Sở Tư pháp là một trong những đơn vị đi đầu trong triển khai việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả qua đường BCCI đối với việc cấp phiếu lý lịch tư pháp (LLTP) qua dịch vụ bưu điện, đăng ký cấp phiếu LLTP trực tuyến. Đây là một trong những cách thức tối ưu góp phần cắt giảm chi phí thực hiện TTHC trong lĩnh vực LLTP đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho người dân, nhưng thực tế tỷ lệ người dân lựa chọn cấp phiếu LLTP qua dịch vụ bưu điện, đăng ký cấp phiếu LLTP trực tuyến chiếm khá nhỏ so với tổng hồ sơ nộp trực tiếp. Nguyên nhân là do thói quen hoặc ở vùng sâu, vùng khó khăn không tiếp cận được thông tin, không rành về công nghệ hoặc không có phương tiện để thực hiện. Như em Trần Văn Đức, ở ấp Mỹ Khánh B, huyện Mỹ Tú do nhu cầu muốn làm thêm công việc mới, tăng thêm thu nhập, em xin về quê để làm LLTP. Do không rành thủ tục nên đến UBND xã nhờ hướng dẫn thì được chỉ thẳng lên Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh để thực hiện. Khi làm xong các thủ tục em chọn gửi kết quả về TP. Hồ Chí Minh qua đường bưu điện. Khi được hỏi, tại sao em không chọn làm thủ tục ngay tại bưu cục xã thì em bảo là không biết. Từ đó có thể thấy, công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện TTHC qua đường BCCI tại nhiều địa phương còn chưa được quan tâm đúng mức. Và cũng còn nhiều nguyên nhân khác mà các sở, ngành, địa phương còn vướng khi triển khi Quyết định số 45 đó là địa giới hành chính. Đơn cử là TP. Sóc Trăng, do địa bàn trung tâm, đường sá đi lại dễ dàng nên hầu hết người dân đến trực tiếp UBND các phường hoặc bộ phận một cửa của UBND thành phố để giải quyết các TTHC mà không lựa chọn dịch vụ BCCI…
Thời gian tới, để tiếp tục nâng cao tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận và trả kết quả qua đường BCCI cần sự nỗ lực, chung tay vào cuộc quyết liệt của các sở, ban ngành tỉnh, UBND cấp huyện và Bưu điện tỉnh. Bên cạnh đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền lợi ích, cách thức thực hiện TTHC qua dịch vụ BCCI thì từng sở, ngành, địa phương cần tiếp tục rà soát, bổ sung, thay thế, cắt giảm các TTHC theo hướng đơn giản, dễ thực hiện và niêm yết đầy đủ, công khai tại bộ phận một cửa, trang - cổng thông tin (TTHC nào được thực hiện qua đường bưu điện, thời gian xử lý, phí, lệ phí, phương thức nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính…) để người dân, doanh nghiệp tiện theo dõi và thực hiện. Các sở, ngành, địa phương thực hiện hướng dẫn, hỗ trợ tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Tiếp tục tập huấn hướng dẫn cho đội ngũ nhân viên bưu điện trong việc thực hiện chuyển phát hồ sơ hành chính, tạo niềm tin cho cá nhân, tổ chức khi đến với dịch vụ BCCI…
Với những giải pháp tích cực, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, việc triển khai tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC qua đường BCCI trên địa bàn tỉnh tiếp tục đạt nhiều kết quả khả quan, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác CCHC, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển.