TIN TỨC -> NGHIÊN CỨU - BÌNH LUẬN
Khai trương Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm Thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ
Lễ khai trương được trực tuyến đến 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố và một số điểm cầu trải nghiệm thực tế tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Trung tâm Điều hành ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn. Tại điểm cầu tỉnh Sóc Trăng có các đồng chí: Ngô Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Dương Quốc Việt - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông; đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành; UBND các huyện, thị xã và thành phố; Hiệp hội Doanh nghiệp, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Quang cảnh các đại biểu tham dự lễ khai trương tại điểm cầu tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: T.P
Phát biểu tại lễ khai trương, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: “Việc khai trương Hệ thống và Trung tâm mới chỉ là bước đầu của quá trình đổi mới phương thức làm việc, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý của cơ quan nhà nước. Vì vậy, còn rất nhiều nhiệm vụ đặt ra trước mắt và lâu dài cần phải thực hiện, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là việc cập nhật, kết nối, chia sẻ để hình thành và làm giàu kho dữ liệu tổng hợp về kinh tế - xã hội phục vụ hoạt động quản lý, điều hành. Các cơ quan, đơn vị liên quan và địa phương phải tăng cường tập huấn chia sẻ thông tin để cho người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận; chuyển đổi, xây dựng các biểu mẫu báo cáo để cập nhật kịp thời, đầy đủ lên hệ thống…”.
Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm Thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đi vào vận hành được coi là điểm nhấn quan trọng mang tính đổi mới, thay đổi phương thức chỉ đạo, điều hành từ dựa trên thông tin, số liệu trên văn bản giấy chuyển sang dựa trên dữ liệu số. Trung tâm Thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được kết nối với các trung tâm điều hành, hệ thống thông tin báo cáo, các cơ sở dữ liệu quốc gia, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của bộ, ngành, địa phương, trở thành một trong những thành phần cốt lõi của hạ tầng số thông minh. Từ trung tâm, Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ có thể theo dõi, kiểm tra được các hoạt động theo từng lĩnh vực do các bộ, ngành, địa phương quản lý. Đồng thời, thông qua dữ liệu số, hình ảnh trực quan, trực tuyến, giúp Chính phủ thực hiện công tác chỉ đạo, điều hành trực tiếp tới các bộ, ngành, địa phương và trên thực địa.
Tại lễ khai trương, các đại biểu sẽ trải nghiệm Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm Thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bao gồm giới thiệu về: giao diện, các hợp phần, tính năng và chức năng, ý nghĩa của hệ thống; hiển thị thông tin và kết nối hệ thống cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương với các chỉ số quan trọng… Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã làm việc và chỉ đạo trực tiếp với lãnh đạo một số địa phương, cơ quan tại các điểm cầu, như: Bình Phước, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế và Trung tâm Quốc gia điều hành tìm kiếm cứu nạn.
Phần trải nghiệm thực tế được diễn ra tại buổi lễ nhằm để các đại biểu có thể thấy rõ nét hơn những lợi ích mà một số dịch vụ công mới được tích hợp, cung cấp mang lại cho người dân và doanh nghiệp. Đại diện một số doanh nghiệp và công dân có mặt tại một số điểm cầu, địa phương thực hiện đăng ký các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, đánh giá cao kết quả đạt được, song nhận định số lượng hơn 14 triệu hồ sơ đang đăng ký hiện nay vẫn là mức thấp, đề nghị kết nối hơn nữa với Cổng dịch vụ công quốc gia, là cầu nối thân thiện, phổ cập hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp. Thủ tướng lưu ý cán bộ, công chức làm việc trên môi trường mạng cũng phải tinh thông nghiệp vụ và giỏi về công nghệ. Tương lai, cần hướng tới thông tin chia sẻ liên thông Chính phủ với các nước trên thế giới, như với ASEAN, các nước châu Á… Địa phương khẩn trương chuẩn hóa, xây dựng hệ thống thông tin báo cáo, tích hợp hệ thống với Trung tâm Thông tin điều hành của Chính phủ, không được cát cứ thông tin và làm đẹp dữ liệu, đẩy mạnh số hóa và chia sẻ thông tin, hướng tới xây dựng Chính phủ liêm chính, hành động và minh bạch phục vụ người dân, doanh nghiệp…
Cũng tại lễ khai trương, Văn phòng Chính phủ công bố tích hợp 3 dịch vụ công trực tuyến được người dân, doanh nghiệp quan tâm trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Đó là dịch vụ công thứ 1.000: kê khai, nộp lệ phí trước bạ và nộp tờ khai đăng ký ô tô trực tuyến; dịch vụ công số 999: liên thông đăng ký điều chỉnh đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và báo cáo tình hình thay đổi lao động và dịch vụ công thứ 998: đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp.
Cổng dịch vụ công quốc gia sau hơn 8 tháng vận hành đã kết nối với 18 bộ, cơ quan, 63 tỉnh, thành phố và 8 ngân hàng, trung gian thanh toán, đơn vị cung cấp dịch vụ ví điện tử; có gần 56,4 triệu lượt truy cập, hơn 220.000 tài khoản đăng ký; trên 14 triệu hồ sơ được đồng bộ trạng thái, trên 260.000 hồ sơ được thực hiện. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công ước tính hơn 13.000 tỉ đồng/năm, trong đó, Cổng dịch vụ công quốc gia đóng góp trên 6.700 tỉ đồng/năm.