TIN TỨC -> NGHIÊN CỨU - BÌNH LUẬN TIN TỨC -> NGHIÊN CỨU - BÌNH LUẬN

Back
Sóc Trăng tăng cường giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận các chính sách, quy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu thụ nông sản trong bối cách dịch bệnh Covid-19
Chiều ngày 12/8/2021, đồng chí Trần Văn Lâu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với các Sở, ban ngành, địa phương để bàn về giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Theo đó, đánh giá về tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nhận định: trong bối cảnh diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp, các sở, ngành, địa phương cùng với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực duy trì sản xuất kinh doanh để phát triển kinh tế, kết quả phát triển kinh tế nhìn chung đạt mức khá được thể hiện thông qua các chỉ tiêu “Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 15%, kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD, tăng 27%; trong đó xuất khẩu thủy sản 575 triệu USD, tăng 36% và xuất khẩu gạo 143 triệu USD, tăng 62%, theo số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GRDP năm 2021 của Tỉnh đạt 5,23%, trong đó Khu vực I tăng 3,22%, khu vực IItăng 14,51%, khu vực III tăng 3,43%”. Tuy nhiên, đây mới là số liệu ước tính và nhận định tình hình dịch bệnh có thể còn kéo dài,thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức nên các cấp, các ngành, địa phương cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa, khôngchủ quan, phải xây dựng phương án phát triển kinh tế cho phù hợp, tập trung quyết liệt trong việc sản xuất an toàn thì mới có thể đạt được kết quả cao nhất. Tiếp tục tập trung thực hiện tốt việc hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tiếp cận các chính sách, nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, cung ứng, lưu thông, tiêu thụ hàng hóa để không làm “đứt gãy” các chuỗi trong phát triển kinh tếnhưng phải “đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch Covid-19” trên nguyên tắc là “chỉ những cơ sở bảo đảm an toàn phòng chống dịch theo quy định mới được phép hoạt động, phương châm là an toàn để sản xuất và sản xuất phải an toàn”.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương trong thời gian tới cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, về hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp: cần đẩy nhanh quá trình tiêm vaccine, trong đó ưu tiên tiêm vaccine cho lái xe đường dài, bốc xếp, người lao động. Rà soát việc áp dụng các mô hình “3 tại chỗ”, đảm bảo sản xuất an toàn, từng bước bổ sung lực lượng đáp ứng nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp, trước mắt là áp dụng đối với các vùng xanh.Sở Công Thương phối hợp các ngành liên quan xem xét, đánh giá sự cần thiết từng trường hợp cụ thể báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh đối với đề nghị của các doanh nghiệp về việc cho phép công nhân ngoài tỉnh vào thi công các dự án điện nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án nhưng phải quản lý chặt chẽ, đảm bảo các điều kiện phòng chống dịch bệnh.
Thứ hai, về sản xuất nông nghiệp, thu hoạch và tiêu thụ nông sản: các Sở, ngành phối hợp với Ban Chỉ huy quân sự tỉnh triển khai thực hiện ngay việc hướng dẫn cụ thể các điều kiện, quy trình thu hoạch, thu mua, vận chuyển lúa, tôm và nông sản nói chung, nắm chắc thông tin về sản lượng, thời gian thu hoạch nông sản để chủ động tìm kiếm thị trường, kết nối tiêu thụ nông sản đặc biệt là ứng dụng thương mại điện tử và thị trường các tỉnh vùng xanh nhằm bảo đảm tuân thủ quy định về an toàn phòng dịch phù hợp với từng địa bàn. 
Thứ ba, về cung ứng, lưu thông và phân phối hàng hóa: kết hợp với việc tiêu thụ nông sản, Sở Công thương, Sở Giao thông Vận tải, các địa phương chủ động phối hợp với các doanh nghiệp chuẩn bị nguồn hàng hóa để đảm bảo nhu cầu sử dụng của nhân dân, tiếp tục thiết lập các kênh phân phối phù hợp, an toàn để mọi người dân đều có thể tiếp cận hàng hóa thiết yếu, nhất là tại các khu vực bị phong tỏa. Tổ chức điều tiết, quản lý đảm bảo lưu thông thông suốt, quản lý chặt chẽ, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động vận tải tại các điểm đi, điểm đến, đầu mối giao nhận hàng hóa, bảo đảm tuân thủ đầy đủ các yêu cầu phòng, chống dịch, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Thứ tư, về chính sách tín dụng: Ngân hành Nhà nước chi nhánh tỉnh chỉ đạo các ngân hàng thương mại cân đối, đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn và mở rộng thêm hạn mức tín dụng đã cấp cho thương nhân, doanh nghiệp để có nguồn vốn thu mua tạm trữ lúa gạo và đầu tư nâng diện tích, chất lượng kho chứa, bảo quản, chế biến lúa gạo; không để xảy ra tình trạng ách tắc, ứ đọng lúa gạo do thiếu vốn tín dụng. Tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng, trong đó có các thương nhân, doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh lúa gạo bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi, phí, cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh,…
Thứ năm, về liên kết tiêu thụ nông sản: Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệpvà Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Sở Giao thông vận tải, Sở Y tế và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh nội dung liên kết với các tỉnh khu vực Nam sông Hậu và thành phố Cần Thơ về liên kết trong công tác phòng chống dịch Covid-19, tiêu thụ nông sản, lưu thông hàng hóa và một số lĩnh vực cần thiết khác.
Thứ sáu, về truyền thông, tạo đồng thuận xã hội: Sở Thông tin và truyền thông phối hợp các Sở ngành, địa phương tăng cường các hoạt động truyền thông, tuyên truyền để doanh nghiệp và nhân dân hiểu rõ, nắm được định hướng, giải pháp điều hành phát triển kinh tế và phòng chống dịch Covid-19 của Nhà nước, tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp các Sở ngành và các địa phương tham mưu xây dựng Kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế sau thời kỳ hậu dịch bệnh Covid-19.

Huỳnh Tấn Phong, Sở Kế hoạch và Đầu tư

Trang 1/18
Website liên kết