TIN TỨC -> TIN TỨC CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH TIN TỨC -> TIN TỨC CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH

Back
Giới thiệu chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông
Chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông được tổ chức nghiên cứu từ năm 2016, trong quá trình nghiên cứu đã tiếp cận với chuẩn hiệu trưởng ở các nước trên thế giới (Hoa Kỳ, Úc, Singapore...), tham vấn ý kiến các chuyên gia trong nước và quốc tế, thử nghiệm ở một số địa phương trong toàn quốc.

Năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Thông tư số 14/2018/TT-BGDĐT ngày 20 tháng 7 năm 2018 ban hành quy định chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông. Quy định chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông áp dụng đối với hiệu trưởng trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học, trường chuyên, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục phổ thông) và các tổ chức, cá nhân có liên quan. 
     

Chuẩn hiệu trưởng là căn cứ để hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông tự đánh giá phẩm chất, năng lực; xây dựng và thực hiện kế hoạch rèn luyện phẩm chất, bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo, quản trị nhà trường đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; là căn cứ để các cơ quan quản lý nhà nước đánh giá phẩm chất, năng lực của hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông; xây dựng và thực hiện chế độ, chính sách phát triển đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông; lựa chọn, sử dụng đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán; đồng thời, là căn cứ để các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục xây dựng, phát triển chương trình và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng phát triển phẩm chất, năng lực lãnh đạo, quản trị nhà trường cho đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông; là căn cứ để các phó hiệu trưởng thuộc diện quy hoạch chức danh hiệu trưởng; giáo viên thuộc diện quy hoạch các chức danh hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng tự đánh giá, xây dựng và thực hiện kế hoạch rèn luyện, học tập phát triển phẩm chất, năng lực lãnh đạo, quản trị nhà trường. 
     

Để triển khai thực hiện chuẩn hiệu trưởng, từ tháng 9 đến tháng 12 năm 2018, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục và chương trình ETEP (Enhancing Teacher Education Program - Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông) đã tổ chức nhiều đợt tập huấn cho đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành, các Trường đại học và đại diện các cơ sở giáo dục ở các khu vực trên cả nước. Trong đó có đợt tập huấn ngày 26-27 tháng 9 năm 2018, tại Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng và đợt tập huấn ngày từ ngày 03 đến ngày 05 tháng 12 năm 2018, tại thành phố Cần Thơ.
     

Phát biểu tại đợt tập huấn, TS Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý giáo dục cho rằng: “Bộ chuẩn mới với những tiêu chí, tiêu chuẩn mạch lạc, rõ ràng, định lượng được tối đa năng lực cán bộ quản lý giáo dục, sát với chương trình giáo dục phổ thông mới và những yêu cầu phát triển đội ngũ, giúp đội ngũ nhận diện chính mình. Từ đó, các thầy cô có những giải pháp tự bồi dưỡng và cơ sở giáo dục, các cấp quản lý có giải pháp hỗ trợ bồi dưỡng, thúc đẩy phát triển năng lực đội ngũ”.


Tiến sĩ Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục NGCBQLGD phát biểu trong đợt tập huấn

Sau đây là một số nội dung của chuẩn hiệu trưởng
      1. Nội dung Chuẩn hiệu trưởng: 
      Chuẩn hiệu trưởng gồm 5 tiêu chuẩn, 18 tiêu chí. Cụ thể các tiêu chuẩn, tiêu chí như sau:

      Tiêu chuẩn 1. Phẩm chất nghề nghiệp
      Có đạo đức nghề nghiệp chuẩn mực và tư tưởng đổi mới trong lãnh đạo, quản trị nhà trường; có năng lực phát triển chuyên môn, nghiệp vụ bản thân.
      Gồm 3 tiêu chí
      Tiêu chí 1. Đạo đức nghề nghiệp
      Tiêu chí 2. Tư tưởng đổi mới trong lãnh đạo, quản trị nhà trường
      Tiêu chí 3. Năng lực phát triển chuyên môn, nghiệp vụ bản thân
      Tiêu chuẩn 2. Quản trị nhà trường
      Lãnh đạo, quản trị các hoạt động trong nhà trường đáp ứng yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, phù hợp với phong cách học tập đa dạng, nhu cầu, sở thích và mức độ sẵn sàng học tập của mỗi học sinh.
      Gồm 7 tiêu chí
      Tiêu chí 4. Tổ chức xây dựng kế hoạch phát triển nhà trường
      Tiêu chí 5. Quản trị hoạt động dạy học, giáo dục học sinh
      Tiêu chí 6. Quản trị nhân sự nhà trường
      Tiêu chí 7. Quản trị tổ chức, hành chính nhà trường 
      Tiêu chí 8. Quản trị tài chính nhà trường
      Tiêu chí 9. Quản trị cơ sở vật chất, thiết bị và công nghệ trong dạy học, giáo dục học sinh của nhà trường
      Tiêu chí 10. Quản trị chất lượng giáo dục trong nhà trường
      Tiêu chuẩn 3. Xây dựng môi trường giáo dục
      Xây dựng được môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, dân chủ, phòng, chống bạo lực học đường.
      Tiêu chí 11. Xây dựng văn hóa nhà trường 
      Tiêu chí 12. Thực hiện dân chủ cơ sở trong nhà trường
      Tiêu chí 13. Xây dựng trường học an toàn, phòng chống bạo lực học đường
      Tiêu chuẩn 4. Phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình, xã hội
      Tổ chức các hoạt động phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong dạy học, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh và huy động, sử dụng nguồn lực để phát triển nhà trường.
      Tiêu chí 14. Phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội để thực hiện hoạt động dạy học cho học sinh
      Tiêu chí 15. Phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội để thực hiện giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh
      Tiêu chí 16. Phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong huy động và sử dụng nguồn lực để phát triển nhà trường
      Tiêu chuẩn 5. Sử dụng ngoại ngữ và công nghệ thông tin
      Có khả năng sử dụng ngoại ngữ (ưu tiên tiếng Anh) và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị nhà trường.
      Tiêu chí 17. Sử dụng ngoại ngữ
      Tiêu chí 18. Ứng dụng công nghệ thông tin
      2. Quy trình đánh giá và xếp loại kết quả đánh giá theo chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông
      2.1. Quy trình đánh giá
      Việc đánh giá theo chuẩn hiệu trưởng được tiến hành theo quy trình gồm 3 bước, hằng năm hiệu trưởng tự đánh giá thực hiện bước 1, hai năm một lần cơ quan cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp đánh giá hiệu trưởng thực hiện cả 3 bước. Quy trình đầy đủ 3 bước bao gồm:
      - Bước 1: Hiệu trưởng tự đánh giá theo chuẩn hiệu trưởng;
      - Bước 2: Nhà trường tổ chức lấy ý kiến giáo viên, nhân viên trong trường đối với hiệu trưởng theo chuẩn hiệu trưởng;
      - Bước 3: Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp thực hiện đánh giá và thông báo kết quả đánh giá hiệu trưởng theo chuẩn hiệu trưởng trên cơ sở kết quả tự đánh giá của hiệu trưởng, ý kiến của giáo viên, nhân viên và thực tiễn thực hiện nhiệm vụ của hiệu trưởng thông qua các minh chứng xác thực, phù hợp.
      2.2. Xếp loại kết quả đánh giá
      Căn cứ vào kết quả đánh giá của từng tiêu chí, xếp loại chung kết quả đánh giá được chia thành 4 mức, mỗi mức có các điều kiện cụ thể là: tỉ lệ số lượng tối thiểu tiêu chí cần đạt ở mức tương ứng là 2/3 trong đó có 10 tiêu chí bắt buộc, cụ thể:


Xếp loại kết quả đánh giá 4 mức

      - Đạt chuẩn hiệu trưởng ở mức tốt: có tất cả các tiêu chí đạt từ mức khá trở lên, tối thiểu 2/3 tiêu chí đạt mức tốt, trong đó các tiêu chí 1, 2, 4, 5, 6, 8, 10, 12, 13 và 14 đạt mức tốt;
      - Đạt chuẩn hiệu trưởng ở mức khá: có tất cả các tiêu chí đạt từ mức đạt trở lên, tối thiểu 2/3 tiêu chí đạt từ mức khá trở lên, trong đó các tiêu chí 1, 2, 4, 5, 6, 8, 10, 12, 13 và 14 đạt từ mức khá trở lên;
      - Đạt chuẩn hiệu trưởng: có tối thiểu 2/3 tiêu chí đạt từ mức đạt trở lên, trong đó các tiêu chí 1, 2, 4, 5, 6, 8, 10, 12, 13 và 14 đạt từ mức đạt trở lên;
      - Chưa đạt chuẩn hiệu trưởng: có trên 1/3 tiêu chí được đánh giá chưa đạt hoặc có tối thiểu 01 (một) tiêu chí trong số các tiêu chí 1, 2, 4, 5, 6, 8, 10, 12, 13 và 14  được đánh giá chưa đạt (tiêu chí được đánh giá chưa đạt khi không đáp ứng yêu cầu mức đạt của tiêu chí).
      3. Chu kỳ và thẩm quyền đánh giá theo chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông
      3.1. Chu kỳ đánh giá
      Hướng tới mục tiêu quan trọng nhất là nâng cao năng lực lãnh đạo, quản trị nhà trường cho đội ngũ hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông, chu kỳ đánh giá theo chuẩn hiệu trưởng được thực hiện hằng năm đối với tự đánh giá và thực hiện hai năm một lần đối với đánh giá của cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp vào thời điểm cuối năm học. 
      Như vậy, sau khi tự đánh giá (hằng năm), hiệu trưởng căn cứ kết quả tự đánh giá xây dựng và thực hiện kế hoạch rèn luyện phẩm chất, bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo, quản trị nhà trường đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Sau đó, đến năm tiếp theo, theo chu kỳ 2 năm, cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp sẽ đánh giá hiệu trưởng. Cách quy định chu kỳ đánh giá này tạo cơ hội, thời gian cho mỗi hiệu trưởng tự hoàn thiện, nâng cao năng lực bản thân trước khi được cơ quan quản lý cấp trên đánh giá.
      Chu kỳ đánh giá do cơ quan quản lý cấp trên thực hiện là 2 năm một lần nhưng trong trường hợp đặc biệt (ví dụ: cơ quan quản lý các cấp chọn, cử người tham gia các khóa đào tạo,...), cơ quan quản lý cấp trên quyết định rút ngắn chu kỳ đánh giá.
      3.2. Thẩm quyền đánh giá
      Theo quy định của chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông, cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp đánh giá hiệu trưởng theo chu kỳ 2 năm một lần, trên cơ sở kết quả tự đánh giá của hiệu trưởng, ý kiến của giáo viên, nhân viên và thực tiễn thực hiện nhiệm vụ của hiệu trưởng thông qua các minh chứng xác thực, phù hợp. Người đứng đầu cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp của hiệu trưởng là người có thẩm quyền đánh giá.
      4. Tập hợp và sử dụng minh chứng trong đánh giá, xếp loại kết quả đánh giá theo chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông
      4.1. Minh chứng và tập hợp minh chứng
      Chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông quy định việc đánh giá theo chuẩn phải căn cứ vào mức của từng tiêu chí đạt được và có các minh chứng xác thực, phù hợp. Theo đó, minh chứng được hiểu là các bằng chứng (tài liệu, tư liệu, sự vật, hiện tượng, nhân chứng) được dẫn ra để xác nhận một cách khách quan mức độ đạt được của tiêu chí. 
      Thời điểm đánh giá theo chuẩn hiệu trưởng là cuối năm học, do đó, việc tập hợp minh chứng cần được lưu ý thực hiện từ đầu năm học, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo, quản trị nhà trường. 
      4.2. Sử dụng minh chứng 
      Minh chứng được sử dụng để xác thực mức độ năng lực đạt được tại thời điểm đánh giá của hiệu trưởng. Việc sử dụng minh chứng trong đánh giá theo chuẩn hiệu trưởng cần lưu ý những vấn đề sau:
      - Phải xem xét đầy đủ và theo thứ tự các yêu cầu của tiêu chí, các mức độ của tiêu chí và minh chứng xác thực cho từng mức độ của tiêu chí;
      - Một minh chứng có thể sử dụng cho nhiều mức độ đạt cho nhiều tiêu chí khác nhau khi minh chứng đó phù hợp với yêu cầu và mức độ của tiêu chí;
      - Tổng hợp danh sách minh chứng gắn với các mức đạt được của từng tiêu chí. 
     

Theo quy định về mức đạt được của tiêu chí là có ba mức theo cấp độ tăng dần: mức đạt, mức khá và mức tốt; mức cao hơn đã bao gồm các yêu cầu ở mức thấp hơn liền kề. Chính vì vậy, minh chứng cũng phải thể hiện được yêu cầu này về mức đạt được của tiêu chí, tức là minh chứng phải thể hiện được mức phát triển thấp hơn liền kề của tiêu chí đó.
     

Để việc tập hợp minh chứng thuận tiện và khoa học hơn, người được đánh giá cần tham khảo trước các minh chứng theo từng mức đạt được của tiêu chí, lập danh mục minh chứng cần tập hợp. Các gợi ý minh chứng có trong phụ lục của Công văn số 4529/BGDĐT-NGCBQLGD về việc hướng dẫn thực hiện Thông tư số 14/2018/TT-BGDĐT ngày 20/7/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông. Các minh chứng này không có tính chất bắt buộc mà chỉ dùng để tham khảo. Ngoài ra, người được đánh giá có thể chủ động tìm kiếm các minh chứng xác thực phù hợp khác.
     

Trên đây là một số nội dung chính của chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông. Để công tác đánh giá theo chuẩn hiệu trưởng đạt hiệu quả, ThS Trần Kiều Hương, Chuyên viên chính, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng cần tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đến toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên ở các cơ sở giáo dục phổ thông về mục đích đánh giá theo chuẩn hiệu trưởng, về các tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá; về quy trình và các minh chứng trong đánh giá. Hơn ai hết, người cán bộ quản lý cần định vị đúng năng lực của mình; từ đó, có kế hoạch tự bồi dưỡng, phát triển phẩm chất, năng lực lãnh đạo, quản lý của bản thân.

Tập tin đính kèm
Dương Thanh Bình, Phòng TCCB - Sở GDĐT

Website liên kết