Theo kết quả phê duyệt, công bố Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) và Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan, đơn vị (SIPAS) trên địa bàn tỉnh nêu tại Quyết định số 509/QĐ-UBND của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ngày 09/3/2021, trong năm 2020, 100% (40/40) đơn vị tham gia Chỉ số cải cách hành chính có xếp hạng, xếp loại đều đạt từ mức khá trở lên. Trong đó, 12 sở ngành, 01 đơn vị cấp huyện, 02 đơn vị sự nghiệp công lập tỉnh và 05 cơ quan trung ương đặt tại tỉnh đạt mức xếp loại tốt; 07 sở ngành, 10 đơn vị cấp huyện, 02 đơn vị sự nghiệp công lập tỉnh và 01 cơ quan trung ương đặt tại tỉnh đạt mức xếp loại khá. Đây là kết quả xếp loại tốt nhất trong những năm qua của các đơn vị.
Giá trị trung bình Chỉ số SIPAS năm 2020 của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đạt được là 92,39%, tăng 4,12% so với năm 2019 (SIPAS năm 2019 đạt tỷ lệ 88,15%). Tỷ lệ điểm SIPAS là một tiêu chí đánh giá kết quả PAR Index, chiếm 15% tổng điểm tối đa trong cơ cấu thang điểm của PAR Index.
Kết quả phân tích cho thấy giá trị trung bình PAR Index của 40 đơn vị tham gia chấm điểm, xếp loại, xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2020 đạt được là 80,71%, tăng 3,11% so với năm 2019 (77,60%).
Về kết quả Chỉ số cải cách hành chính áp dụng đối với sở ngành: Mặc dù tỷ lệ điểm năm 2020 của đơn vị giảm nhẹ so với năm 2019 nhưng Sở Giao thông vận tải vẫn giữ vững vị trí quán quân về kết quả Chỉ số cải cách hành chính với tỷ lệ 88,93%. Về nhì là Sở Tư pháp đạt 88,47%. Sở Nội vụ vươn lên vị trí xếp hạng thứ 3 với tỷ lệ 87,74%. Các vị trí lần lượt tiếp theo là Ban Quản lý các khu công nghiệp, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Công Thương; Văn phòng UBND tỉnh; Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Tài nguyên và Môi trường; Ban Dân tộc; Sở Tài chính; Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Sở Xây dựng; Thanh tra tỉnh và cuối cùng là Sở Y tế.
Về kết quả Chỉ số cải cách hành chính áp dụng đối với đơn vị sự nghiệp công lập: Với tỷ lệ 89,26%, năm 2020, Ban Quản lý Dự án 2 tiếp tục dẫn dầu nhóm về kết quả Chỉ số cải cách hành chính. Trường Cao đẳng Nghề Sóc Trăng giữ vị trí nhì bảng với tỷ lệ 82,72%. Vị trí xếp hạng thứ 3 và 4 thuộc về Ban Quản lý Dự án 1 và Trường Cao đẳng Cộng đồng Sóc Trăng do trong năm cả hai đơn vị đều có sự sụt giảm về tỷ lệ điểm đạt được so với năm 2019.
Về kết quả Chỉ số cải cách hành chính áp dụng đối với cơ quan trung ương đặt tại tỉnh: Xếp nhất bảng là Công an tỉnh với tỷ lệ 89,07%. Kế đến là Kho bạc Nhà nước (88,50%), Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng (87,86%), Chi cục Hải quan (82,99%), Bảo hiểm xã hội (80,87%) và Cục Thuế (79,97%).
Về kết quả Chỉ số cải cách hành chính áp dụng đối với UBND cấp huyện: Trong năm 2020, kết quả Chỉ số cải cách hành chính của hầu hết các đơn vị cấp huyện đều có bước chuyển mình tích cực. Do cải thiện về mức xếp loại và cả tỷ lệ điểm đạt được (82,71%) so với năm 2019 nên thị xã Vĩnh Châu tiếp tục duy trì vị trí đầu bảng. Xếp sau đó là huyện Trần Đề (79,90%), huyện Long Phú (79,72%), thị xã Ngã Năm (78,76%), thành phố Sóc Trăng (78,46%), huyện Cù Lao Dung (78,31%), huyện Thạnh Trị (77,87%), huyện Châu Thành (76,55%), huyện Kế Sách (74,64%), huyện Mỹ Xuyên (72,63%) và huyện Mỹ Tú (67,17%).
Nội dung chi tiết kết quả Chỉ số cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị nêu tại Quyết định số 509/QĐ-UBND ngày 09/3/2021 đính kèm.
Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị sự nghiệp công lập tỉnh, cơ quan Trung ương đặt tại tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ kết quả công bố, xếp loại Chỉ số cải cách hành chính năm 2020 tổ chức quán triệt, rút kinh nghiệm, triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả cải cách hành chính để cải thiện Chỉ số cải cách hành chính năm những năm tiếp theo./.