TIN TỨC -> NGHIÊN CỨU - BÌNH LUẬN TIN TỨC -> NGHIÊN CỨU - BÌNH LUẬN

返回
Phát huy vai trò của chính quyền xã trong phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội ở nước ta hiện nay
TCCS - Phát triển xã hội và quản lý hiệu quả phát triển xã hội có tầm quan trọng đặc biệt trong việc bảo đảm ổn định xã hội, tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế, hướng tới sự công bằng, tiến bộ xã hội, không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Bởi vậy, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của phát triển xã hội, quản lý phát triển xã hội ở nông thôn và vai trò của chính quyền xã trong phát triển xã hội, quản lý phát triển xã hội là rất cần thiết.

Toàn cảnh buổi tập huấn tuyên truyền về chính quyền điện tử cho người dân

Vai trò quan trọng của chính quyền xã trong phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội trên địa bàn được quy định bởi: Thứ nhất, chính quyền xã được tổ chức ở nhiều đơn vị hành chính nhất, với 9.054 xã, chiếm trên 80% tổng số đơn vị hành chính cấp xã (11.164 xã, phường, thị trấn). Thứ hai, đây là cấp hành chính gần dân nhất trong hệ thống hành chính nhà nước 4 cấp ở nước ta, có chức năng chủ yếu là triển khai thực hiện chủ trương, biện pháp phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội trên địa bàn. Chính quyền xã không chỉ thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo luật định, mà còn phải chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trên địa bàn; tham gia cùng với chính quyền các cấp tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án của các chương trình này nhằm phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội trên địa bàn. Thứ ba, trên địa bàn xã có các cộng đồng dân cư gắn bó chặt chẽ với nhau trên nhiều phương diện, như kinh tế, văn hóa, xã hội, dòng họ, huyết thống, phong tục, tập quán, ngành nghề và nhiều sinh hoạt chung khác, gắn liền với văn hóa làng xã lâu đời của người Việt. Do vậy, chính quyền xã có nhiệm vụ hướng dẫn và giám sát các hoạt động tự quản của nhân dân, tạo điều kiện trực tiếp để nhân dân phát huy mọi khả năng phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời có vai trò rất quan trọng trong việc gắn kết các thành viên trong gia đình, cộng đồng dân cư, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển các giá trị con người - giá trị văn hóa - giá trị xã hội, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân và xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn. 
     Những kết quả đạt được trong phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội của chính quyền xã 
Nhận thức được tầm quan trọng của kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, chính quyền xã ở nhiều địa phương đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp để chủ động tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn, góp phần tích cực cải thiện điều kiện sản xuất, kinh doanh của người dân, tạo công ăn việc làm, xóa đói, giảm nghèo và giải quyết được nhiều vấn đề xã hội khác ở nông thôn. 
Chính quyền nhiều xã cùng với ngành dân số chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Dân số và Kế hoạch hóa gia đình nhằm nâng cao chất lượng dân số, thông qua nhiều hình thức hoạt động, như tư vấn tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh, sàng lọc và chẩn đoán sơ sinh,... Mạng lưới y tế cơ sở được hình thành và phát triển đến tận thôn, làng, ấp, bản, với đội ngũ cán bộ ngày càng được tăng cường cả về số lượng và chất lượng chuyên môn. Hệ thống trường học các cấp ở nông thôn được xây dựng mới, nhiều điểm trường được mở thêm ở các thôn, bản, góp phần làm giảm tình trạng học sinh bỏ học, nhất là ở các xã vùng cao, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ở nhiều địa phương, chính quyền xã phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống người nông dân, cung cấp dịch vụ gắn với bình đẳng giới trong các hộ gia đình nông thôn; thực hiện các chính sách dân tộc, như định canh, định cư, phủ xanh đất trống đồi trọc, xóa đói, giảm nghèo; hỗ trợ hình thành các mô hình kinh tế mới, như trang trại, làng sinh thái, làng nghề, làng nông nghiệp công nghệ cao..., thúc đẩy sự biến đổi về cơ cấu xã hội, liên kết xã hội ở nông thôn.
Chính quyền các xã tích cực tham gia xây dựng, củng cố và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, tạo điều kiện để người dân ở nông thôn nâng cao mức hưởng thụ, tham gia hoạt động và sáng tạo văn hóa; nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa, ấp văn hóa, thực hiện các tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới; xây dựng con người, gia đình, cộng đồng nông thôn và môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, tạo động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Trong thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở, chính quyền nhiều xã đã thực hiện việc công khai kịp thời các nội dung theo quy định, như tình hình xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; lấy ý kiến của nhân dân về việc triển khai các chương trình, quy hoạch sử dụng đất đai, chương trình, dự án xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân tiếp tục được cấp ủy, chính quyền nhiều xã thực hiện theo luật định. Một số địa phương chú trọng phát huy sáng kiến và tinh thần làm chủ của nhân dân trong việc quản lý xã hội và cộng đồng.
Chính quyền xã ở nhiều nơi tăng cường phối hợp với lực lượng chức năng trấn áp hoạt động của tội phạm ma túy, ngăn chặn “đầu vào” của đối tượng nghiện, đồng thời làm tốt công tác phòng ngừa nhằm từng bước xã hội hóa công tác phòng, chống, kiểm soát ma túy ngay từ cơ sở. Nhiều địa phương xây dựng được những mô hình, phong trào thu hút đông đảo nhân dân tham gia, như “Quần chúng đấu tranh, tố giác tội phạm về ma túy”, “Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ”, “Ba không, ba có, ba giảm”, “Xây dựng thôn, xóm, tổ dân phố, xã, phường, thị trấn, cơ quan, trường học, doanh nghiệp không có tội phạm, không có ma túy, không có tệ nạn xã hội”, “Cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng”.
Nhận thức được tầm quan trọng của môi trường nông thôn, chính quyền nhiều xã đã chủ động lồng ghép việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bảo vệ môi trường trong mô hình xây dựng nông thôn mới, đồng thời cung cấp dịch vụ thu, gom rác thải thuận tiện cho người dân. Mặt khác, để công tác thu, gom rác thải đạt hiệu quả, nhiều xã còn chủ động thành lập các đội thu gom rác thải do hội phụ nữ hay đoàn thanh niên quản lý.
     Những hạn chế, vướng mắc trong phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội của chính quyền xã
Bên cạnh các kết quả đã đạt được, kết cấu hạ tầng ở nông thôn, như giao thông, thủy lợi, cơ sở y tế, hệ thống trường học..., nhất là ở khu vực miền núi vẫn có nhiều khó khăn, hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn. Nhiều xã chưa có quy hoạch đồng bộ và chưa có mô hình quản lý thống nhất về mạng lưới giao thông nông thôn, dẫn đến việc đầu tư còn tự phát, chưa có tính định hướng, gây ảnh hưởng đến việc nâng cấp, cải tạo và phát triển sau này.
Chất lượng dân số chưa có sự cải thiện đột phá, thậm chí gia tăng những yếu tố làm suy giảm chất lượng dân số. Hệ thống y tế mặc dù được nâng cấp, song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Tình trạng trẻ em suy dinh dưỡng, dị tật bẩm sinh, trẻ em và phụ nữ phải lao động nặng nhọc còn khá phổ biến ở nông thôn, nhất là ở các vùng nông thôn miền núi. 
Việc đào tạo nghề cho nông dân và lao động nông thôn chưa gắn với giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới. Chất lượng lao động trong khu vực nông nghiệp ngày càng giảm sút.
Bình đẳng giới trong gia đình ở nông thôn vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề, như bạo lực đối với phụ nữ, buôn bán, xâm hại nhân phẩm, sức khỏe, tình dục phụ nữ và trẻ em, gây bức xúc ở nhiều nơi, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Thực tế ở nông thôn hiện nay, phụ nữ còn chịu nhiều bất lợi trong việc học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp.
Chất lượng chăm sóc y tế ở các xã vùng sâu, vùng xa, nhất là khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ còn thấp. Chi phí cho y tế của hộ nghèo, các nhóm dễ bị tổn thương vượt quá khả năng tài chính của họ. Y tế cộng đồng bao gồm các biện pháp thúc đẩy lối sống lành mạnh, bảo vệ môi trường trong sạch, phát triển y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu,... chưa đáp ứng yêu cầu bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người dân.
Ở nhiều nơi, chính quyền xã còn thiếu chủ động trong việc thực hiện các chương trình về xóa đói, giảm nghèo; số hộ cận nghèo còn nhiều, giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ hộ tái nghèo hằng năm còn cao. Đời sống của một bộ phận dân cư, nhất là ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, khoảng cách thu nhập giữa các tầng lớp dân cư còn lớn.
Chính quyền một số xã chưa chú trọng xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, chưa tập trung củng cố, kiện toàn và tăng cường về tổ chức và hoạt động của các lực lượng nòng cốt trong bảo đảm an ninh, trật tự, như hội đồng bảo vệ an ninh, trật tự cấp xã, ban bảo vệ thôn, xóm, đội dân phòng, tổ tự quản,... trên địa bàn. Do đó, tội phạm ở nông thôn có chiều hướng gia tăng. Tai nạn giao thông, tệ nạn cờ bạc, ma túy, mại dâm, tình trạng bạo hành gia đình ở nông thôn còn diễn biến phức tạp. Tình hình hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở nhiều xã khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên còn có biểu hiện phức tạp.
Trong thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở, nhiều chính quyền xã mới chỉ thực hiện tốt nội dung “cần thông báo cho nhân dân được biết”, còn những nội dung khác, như đưa vấn đề ra thảo luận, lấy ý kiến của nhân dân; nhân dân có quyền quyết định hay giám sát, kiểm tra việc giải quyết những vấn đề quan trọng của địa phương... chưa được quan tâm tổ chức triển khai.
Công tác bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập, kể cả ở một số xã đã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới. Hầu hết nước thải sinh hoạt, chăn nuôi, sản xuất tiểu, thủ công nghiệp,... đều đổ trực tiếp ra môi trường, ngấm vào đất hoặc chảy vào ao, hồ, sông, suối; quy hoạch và xây dựng chợ không gắn với việc xử lý rác thải.
     Các giải pháp phát huy vai trò của chính quyền xã trong phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội
     Một là, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về chức năng, nhiệm vụ của chính quyền xã.
Những nội dung về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền xã được quy định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 có tính bao quát, do vậy, cần được cụ thể hóa một cách rõ ràng, bảo đảm đủ cơ sở pháp lý cho hoạt động của chính quyền xã trong phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội trên địa bàn. Theo đó, có thể phân thành ba loại nhiệm vụ liên quan đến phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội trên địa bàn là: 1- Các nhiệm vụ theo quy định của Luật và văn bản hướng dẫn, chỉ thị của cấp trên; 2- Các nhiệm vụ phát sinh trên địa bàn liên quan đến vai trò của chính quyền xã; 3- Các nhiệm vụ liên quan đến việc tổ chức, hướng dẫn các hoạt động tự quản của cộng đồng dân cư. 
     Hai là, hoàn thiện hệ thống thể chế phát triển xã hội.
Hoàn thiện thể chế phát triển xã hội theo hướng Trung ương tập trung ưu tiên bố trí ngân sách, vốn trái phiếu chính phủ, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn tín dụng ưu đãi cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở các vùng khó khăn trên cơ sở lồng ghép các nguồn lực; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chính sách, chương trình, dự án về phát triển xã hội, nhất là về xóa đói, giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Tạo cơ chế cho chính quyền địa phương các cấp chủ động sắp xếp nguồn lực, xác định mục tiêu phát triển xã hội; đồng thời, tạo điều kiện cho các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, cá nhân có lòng hảo tâm tham gia phát triển xã hội một cách thiết thực, hiệu quả, có sự thống nhất với địa phương. 
Tiếp tục hoàn thiện chế định công khai, minh bạch trên cơ sở Quy chế Dân chủ ở cơ sở, thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; phát huy vai trò của các mô hình tự quản ở thôn, xã, xây dựng quy chế hoạt động của thôn, bản và trưởng thôn, trưởng bản; tiếp tục củng cố các tổ chức tự quản.
     Ba là, đổi mới tổ chức, hoạt động của hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân xã.
Trên cơ sở quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, cần xác định rõ, cụ thể chức năng, nhiệm vụ phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội của chính quyền địa phương các cấp, trong đó có chính quyền xã. Đổi mới tổ chức và hoạt động của hội đồng nhân dân xã để nó thực sự đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, có thực quyền quyết định các vấn đề liên quan đến lợi ích của cộng đồng dân cư trên địa bàn. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện quy chế làm việc của ủy ban nhân dân xã, trong đó xác định rõ trách nhiệm của từng cán bộ, công chức xã, nhất là của người đứng đầu.
     Bốn là, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách ở xã đáp ứng yêu cầu phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội.
Tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách về bầu cử, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật,... đối với đội ngũ cán bộ, công chức xã. Điều chỉnh những bất hợp lý trong quy định về số lượng và vị trí, chức danh cán bộ, công chức xã theo hướng nới rộng khung giới hạn tối thiểu và tối đa số lượng cán bộ, công chức xã căn cứ vào phân loại xã và đặc điểm riêng biệt của từng xã trong mỗi giai đoạn phát triển.
     Năm là, đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy xã đối với chính quyền xã.
Đổi mới sự lãnh đạo của cấp ủy xã đối với chính quyền xã trong phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội không phải là cấp ủy xã làm thay chính quyền xã, mà là làm cho chính quyền xã mạnh lên, nâng cao vai trò, trách nhiệm, phát huy tính chủ động, sáng tạo và hiệu quả hoạt động của chính quyền xã trong phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội trên địa bàn. Năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng thể hiện ở trình độ, nghệ thuật tác động vào đối tượng chịu sự lãnh đạo (hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân xã), sao cho đối tượng này ngày càng phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội.
     Sáu là, đổi mới tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở xã.
Rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy các tổ chức chính trị - xã hội theo hướng tinh gọn, hiệu quả; khắc phục tình trạng hành chính hóa, quan liêu hóa các tổ chức này. Chú trọng hơn nữa công tác cán bộ, tránh tình trạng công chức hóa đội ngũ cán bộ của các tổ chức chính trị - xã hội. Tập trung nâng cao khả năng tập hợp, giáo dục, động viên hội viên, đoàn viên của các tổ chức chính trị - xã hội nhằm củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường vai trò và khả năng giám sát, phản biện xã hội của các tổ chức này đối với các quyết định và hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền xã. 
     Bảy là, kiện toàn tổ chức và đổi mới phương thức hoạt động của các tổ chức cộng đồng dân cư (thôn, làng, ấp, bản) nhằm phát huy vai trò tự quản trong phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội.
Phát huy vai trò của các tổ chức thôn, làng, ấp, bản,... với tư cách là những tổ chức cộng đồng có tính tự nguyện, tự giác cao, hoạt động theo những quy định, quy ước, hương ước. Sớm hình thành khung pháp lý hỗ trợ thành lập, phân cấp, trao quyền, tăng cường năng lực cho các tổ chức nông dân, cư dân nông thôn trong các tổ chức liên kết dọc (theo hiệp hội ngành hàng, kết nối các đối tượng sản xuất - chế biến - kinh doanh), liên kết ngang (hợp tác xã, hiệp hội doanh nghiệp, hội nông dân,...), liên kết cộng đồng (ban phát triển nông thôn, ban quản lý tài nguyên,...) và các hình thức tổ chức khác. 
     Tám là, bảo đảm các điều kiện hoạt động của chính quyền xã.
Bảo đảm điều kiện kinh phí hoạt động của chính quyền xã theo hướng phân cấp tối đa nguồn thu tại chỗ, đồng thời bảo đảm chính quyền xã có nguồn thu cân đối được các nhiệm vụ thường xuyên. Căn cứ vào đặc điểm, tình hình cụ thể của từng xã để trang bị những phương tiện cần thiết cho chính quyền xã thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội. Chú trọng cung cấp cho chính quyền và cán bộ, công chức xã các tài liệu, văn bản pháp luật, hướng dẫn, quy định của Nhà nước và chính quyền cấp trên về các vấn đề quản lý phát triển xã hội./.

 

Nguyễn Minh PhươngPGS, TS, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội

Website liên kết