TIN TỨC -> NGHIÊN CỨU - BÌNH LUẬN TIN TỨC -> NGHIÊN CỨU - BÌNH LUẬN

Vés enrere
Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ngoại vụ địa phương đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế
Cơ quan và công chức phụ trách công tác ngoại vụ địa phương có chức năng, nhiệm vụ tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về công tác ngoại vụ, công tác biên giới lãnh thổ và thực hiện các dịch vụ công thuộc lĩnh vực đối ngoại, bao gồm: ngoại giao đa phương, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, công tác biên giới lãnh thổ, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài... Tổ chức được giao thực hiện nhiệm vụ ngoại vụ ở địa phương cũng là cơ quan đầu mối giúp tỉnh ủy và UBND cùng cấp quản lý thống nhất hoạt động đối ngoại của địa phương; phối hợp tổ chức các hoạt động đối ngoại của địa phương.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác ngoại vụ địa phương; do đó công tác ngoại vụ địa phương được triển khai đồng bộ, hiệu quả, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định, giữ vững chủ quyền của đất nước, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành ngoại vụ địa phương vẫn còn một số hạn chế như: tư duy hội nhập quốc tế chưa sát với thực tiễn địa phương, cách triển khai giữa các địa phương còn khác nhau, một số địa phương thiếu chiến lược hợp tác quốc tế dài hạn(1). Trong đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đảm nhiệm lĩnh vực công tác ngoại vụ địa phương. 

1. Thực trạng công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ngoại vụ địa phương

Nguồn nhân lực ngoại vụ địa phương gồm những công chức làm việc tại Sở Ngoại vụ hoặc bộ phận ngoại vụ thuộc Văn phòng UBND cấp tỉnh (đối với những địa phương chưa thành lập Sở Ngoại vụ). Hiện nay, cả nước có 47/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có Sở Ngoại vụ (chiếm tỷ lệ 74,6%), 16 địa phương bố trí tổ chức và nhân sự làm công tác ngoại vụ thuộc Văn phòng UBND cấp tỉnh (tương đương 25,4%). Thông tư liên tịch số 02/2015/ TTLT-BNG-BNV ngày 28/6/2015 giữa Bộ Ngoại giao và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Ngoại vụ thuộc UBND cấp tỉnh quy định nhiệm vụ và quyền hạn của Sở Ngoại vụ như sau: tham mưu cho tỉnh ủy, UBND công tác đối ngoại; công tác hợp tác quốc tế; công tác kinh tế đối ngoại; công tác văn hóa đối ngoại; công tác người Việt Nam ở nước ngoài; công tác lãnh sự và bảo hộ công dân; công tác biên giới, lãnh thổ quốc gia; công tác thông tin đối ngoại; công tác lễ tân đối ngoại; công tác tổ chức và quản lý đoàn ra - đoàn vào; công tác tổ chức và quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế; công tác thanh tra ngoại giao; công tác phi chính phủ nước ngoài,... 

Trong những năm qua, nguồn nhân lực ngoại vụ địa phương đã góp phần thúc đẩy hiệu quả hoạt động đối ngoại như: vận động đàm phán, giải quyết những bất đồng liên quan đến phân giới, cắm mốc, quản lý đường biên, quản lý cửa khẩu và các hoạt động hợp tác xuyên biên giới; góp phần tăng cường hòa bình, hữu nghị cùng phát triển với các nước trên thế giới và khu vực. Theo số liệu của Bộ Ngoại giao, tính đến tháng 12/2019, tổng số nhân lực ngoại vụ địa phương trên toàn quốc là 1.384 người(2), trong đó công chức có bằng đại học trở lên chiếm trên 90%, tuy nhiên công chức được đào tạo về chuyên ngành đối ngoại chỉ có 81 người, chiếm 5,9%. Công chức ngoại vụ địa phương được bố trí làm công tác biên dịch, phiên dịch là 278 người, chiếm 20,08%, số còn lại làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ. Đây là những thống kê cho thấy để đảm bảo chất lượng, hiệu quả thực thi nhiệm vụ của đội ngũ công chức ngoại vụ địa phương thì cần có chính sách, chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ công chức làm công tác ngoại vụ địa phương. 

Hiện nay, Bộ Ngoại giao có 03 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ ngoại giao, đó là: Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đối ngoại (thuộc Học viện Ngoại giao) đảm nhận các chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ đối ngoại cho công chức ngoại vụ các địa phương từ thành phố Đà Nẵng trở ra; Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng kiến thức ngoại giao và ngoại ngữ (Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh, trực thuộc Bộ Ngoại giao) triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngoại vụ cho các địa phương từ tỉnh Quảng Nam trở vào; Trung tâm biên, phiên dịch quốc gia (Bộ Ngoại giao) tổ chức triển khai các chương trình bồi dưỡng biên, phiên dịch các ngoại ngữ cho công chức làm công tác ngoại vụ trên cả nước. Ngoài ra, các đơn vị chức năng của Bộ Ngoại giao như: Cục Lễ tân Nhà nước, Cục Lãnh sự, Vụ Thông tin báo chí, Trung tâm hướng dẫn báo chí nước ngoài, Ủy ban Biên giới Quốc gia... cũng được giao tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn của ngành ngoại giao, bao gồm các chương trình: công tác lãnh sự, lễ tân đối ngoại, biên giới lãnh thổ, thông tin đối ngoại, vận động kiều bào, phát ngôn và phỏng vấn báo chí, biên, phiên dịch đối ngoại...

Trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2019, đội ngũ công chức ngoại vụ địa phương đã được bồi dưỡng về kiến thức, nghiệp vụ ngoại giao cơ bản và kiến thức nghiệp vụ ngoại giao chuyên môn như: lãnh sự, lễ tân và tổ chức sự kiện đối ngoại cho 192 lượt người; thông tin báo chí cho 120 lượt người; công tác biên giới lãnh thổ cho 265 lượt người; văn hóa đối ngoại cho 160 lượt người. Các kỹ năng được bồi dưỡng là: đàm phán, soạn thảo văn bản đối ngoại với 250 lượt người; xúc tiến hợp tác đầu tư nước ngoài với 105 lượt người...  

Có đến 90% lãnh đạo các cơ quan ngoại vụ địa phương được bồi dưỡng nâng cao kỹ năng sử dụng ngoại ngữ để đảm bảo yêu cầu công tác đối ngoại. Mỗi địa phương có tối thiểu 02 công chức được bồi dưỡng chuyên sâu về biên, phiên dịch cao cấp tiếng Anh; đã bồi dưỡng cho 300 lượt công chức ngoại vụ về kỹ năng phiên dịch ngoại ngữ của nước có chung biên giới (tiếng Campuchia, Lào, Trung Quốc). Công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đối ngoại đã góp phần nâng cao năng lực của đội ngũ công chức làm công tác ngoại vụ, giúp cho công tác đối ngoại của Việt Nam có những quyết sách đúng đắn, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định an ninh, quốc phòng, giữ vững độc lập, chủ quyền và phát triển kinh tế trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động về chính trị, an ninh, kinh tế.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ngoại vụ địa phương còn có những khó khăn, hạn chế nhất định, đó là:

- Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định cơ quan ngoại vụ có thể là cấp phòng thuộc Văn phòng UBND tỉnh hoặc Sở Ngoại vụ. Điều này được hiểu là do Sở Ngoại vụ không phải là cơ cấu cứng trong các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh. Vì vậy, vai trò của cơ quan ngoại vụ không được định rõ trong cơ chế tham mưu, thống nhất hoạt động đối ngoại ở địa phương, dẫn đến những khó khăn trong việc tham mưu, quản lý đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức ngoại vụ địa phương.

- Phần lớn công chức làm công tác đối ngoại tại địa phương không được đào tạo chuyên ngành quan hệ quốc tế mà chủ yếu từ các ngành khác, dẫn đến trình độ chuyên môn không đồng đều, thiếu kinh nghiệm, kỹ năng trong công tác đối ngoại.

- Tần suất hoạt động đối ngoại, yêu cầu về công tác đối ngoại ở các địa phương là khác nhau do liên quan đến đặc thù của quốc gia có chung đường biên giới, đặc thù địa kinh tế, địa chính trị, ... Vì vậy, có khó khăn trong việc xác định nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ngoại vụ địa phương.

- Nguồn nhân lực ngoại vụ địa phương hiện nay nhìn chung chưa đáp ứng đủ cho vị trí việc làm nên khó bố trí người thay thế vị trí công việc khi công chức được cử tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng tập trung. 

- Tình hình thế giới và khu vực thường xuyên có sự thay đổi, hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ và sâu rộng, đòi hỏi đội ngũ công chức ngoại vụ địa phương phải có đủ năng lực để đáp ứng nhiệm vụ chuyên môn ngày càng cao.

2. Giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ngoại vụ địa phương đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế

Mục tiêu của công tác đào tạo, bồi dưỡng trong thời gian tới cần tập trung trang bị, nâng cao kiến thức, kỹ năng đối ngoại cho đội ngũ công chức ngoại vụ địa phương, đáp ứng yêu cầu đối ngoại trong tình hình mới và hội nhập quốc tế. Cụ thể, kiến thức ngoại giao, kỹ năng đối ngoại và ngoại ngữ phải đạt chuẩn và tiệm cận với khung năng lực công chức đối ngoại của các nước trong khu vực và trên thế giới. Thông qua đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực của đội ngũ công chức ngoại vụ, chuẩn hóa về trình độ, năng lực, phẩm chất của công chức làm công tác ngoại giao. Từ thực trạng năng lực của công chức và kết quả của công tác ngoại vụ thời gian qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ngoại vụ địa phương trong thời gian tới cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:

Một là, xây dựng khung năng lực của công chức ngoại vụ.

Khung năng lực mô tả đầy đủ về kiến thức, kỹ năng và thái độ của vị trí việc làm mà công chức ngoại vụ đảm nhận. Qua đó giúp xác định được năng lực cần có cũng như các cấp độ năng lực mà công chức ngoại vụ cần đạt được để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Dựa trên khung năng lực để so sánh, đối chiếu năng lực hiện có và yêu cầu cần có với vị trí việc làm, từ đó xác định khoảng trống về năng lực mà công chức ngoại vụ cần được đào tạo, bồi dưỡng để bù đắp những kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp còn thiếu. 

Với đặc thù lĩnh vực ngoại vụ, khung năng lực của công chức cần được xem xét ở những khía cạnh sau: năng lực chuyên môn, bao gồm các kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ gắn với công tác ngoại vụ, thông tin đối ngoại, hợp tác quốc tế; năng lực cốt lõi, gồm các năng lực cần thiết cho vị trí việc làm như kỹ năng lãnh sự, kỹ năng lễ tân đối ngoại, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng ứng xử ngoại giao, kỹ năng ra quyết định, kỹ năng sử dụng trên một ngoại ngữ; năng lực theo vai trò, gắn với vị trí việc làm như năng lực giải quyết công vụ, hợp tác quốc tế cấp địa phương, năng lực tham mưu, xây dựng chính sách đối ngoại, năng lực lãnh đạo; năng lực hành vi, là các năng lực gắn với hành vi của mỗi cá nhân công chức ngoại vụ nhằm đảm bảo khả năng thuần thục, linh hoạt trong giải quyết công việc theo yêu cầu của vị trí việc làm.

Hai là, thiết kế, xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo nhu cầu đối ngoại của từng địa phương.

Các địa phương cần xây dựng tiêu chuẩn về trình độ, năng lực, phẩm chất của công chức ngoại vụ cũng như gắn với đặc thù đối ngoại với quốc gia có chung đường biên giới. Trên cơ sở đó, xây dựng khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với yêu cầu đối ngoại của từng địa phương trên các lĩnh vực ngoại giao về kinh tế, văn hóa, lịch sử, địa lý, đối ngoại nhân dân, bảo hộ công dân... Từ đó giúp cho việc đào tạo, bồi dưỡng đúng người, đúng nhu cầu, góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức ngoại vụ địa phương.

Ba là, nâng cao hiệu quả quản lý đào tạo, bồi dưỡng.

Tăng cường kiểm tra năng lực đào tạo, bồi dưỡng cũng như việc phân cấp tổ chức đào tạo, bồi dưỡng ở ba cơ sở hiện nay của Bộ Ngoại giao. Để nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ngoại vụ địa phương, cần có chính sách cạnh tranh trong đào tạo, bồi dưỡng; xây dựng và áp dụng các tiêu chí đánh giá chất lượng quản lý, đào tạo, bồi dưỡng đảm bảo tính khoa học, đo lường được hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ngoại vụ địa phương. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức của các cấp lãnh đạo địa phương về tầm quan trọng của việc bồi dưỡng nghiệp vụ về đối ngoại, hội nhập quốc tế và biên, phiên dịch các ngôn ngữ của quốc gia có chung đường biên giới với Việt Nam. 

Bốn là, nâng cao chất lượng giảng viên, các chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ đối ngoại.

Tuyển chọn đội ngũ giảng viên có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, các chuyên gia đầu ngành của Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương và các bộ, ngành cũng như các giảng viên đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu. Chất lượng giảng viên luôn tỷ lệ thuận với hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng; do đó mỗi chương trình đào tạo, bồi dưỡng cần lựa chọn đúng giảng viên, đảm bảo đáp ứng được yêu cầu về trình độ và năng lực thực tiễn, có kinh nghiệm về đối ngoại và hợp tác quốc tế. 

Năm là, đổi mới, đa dạng hình thức đào tạo, bồi dưỡng. 

Tăng cường giảng dạy thông qua xử lý các tình huống ngoại giao, phần thực hành phải chiếm tỷ trọng lớn trong khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ngoại vụ. Đa dạng hóa phương thức đào tạo, bồi dưỡng, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin. Lựa chọn một số chuyên đề phù hợp để đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến giúp cho học viên tiết kiệm được thời gian, chi phí vì không phải học tập trung.

Sáu là, tăng cường trách nhiệm của công chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng. 

Cần có cơ chế kiểm soát, đánh giá ý thức tham gia đào tạo, bồi dưỡng của đội ngũ công chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng. Ngoài việc đánh giá dựa trên kết quả đào tạo, bồi dưỡng thông qua chứng chỉ cuối khóa, còn cần theo dõi, đánh giá quá trình tham gia đào tạo, bồi dưỡng. Qua đó có thể đo lường được ý thức, trách nhiệm của công chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng. Đây là điều kiện cần thiết để đánh giá chất lượng, hiệu quả sau đào tạo, bồi dưỡng của đội ngũ công chức ngoại vụ địa phương.

Cần quan tâm đầu tư về kinh phí và xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu tham mưu, quản lý nhà nước về công tác đối ngoại của địa phương. Để bù đắp những khoảng trống về kiến thức, kỹ năng, thái độ của đội ngũ công chức ngoại vụ, cần xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng một cách khoa học và chính xác dựa trên khung năng lực của vị trí việc làm, mục tiêu xây dựng đội ngũ công chức ngoại vụ địa phương chuyên nghiệp là lực lượng nòng cốt trong công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của các địa phương./.

-------------------------------------------

Ghi chú:

(1) http://tuyengiao.vn/thoi-su/cac-co-quan-ngoai-vu-dia-phuong-phat-huy-tot-hon-nua-vai-tro-dau-moi-trai-tim-hoi-nhap-114163

(2) Bộ Ngoại giao, Bồi dưỡng nghiệp vụ đối ngoại và ngoại ngữ, biên phiên dịch cho cán bộ ngoại vụ địa phương giai đoạn 2016-2020.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Chính trị, Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế.

2. Bộ Ngoại giao, Tài liệu hướng dẫn về công tác ngoại vụ địa phương, Nxb CTQG - ST, H.2019.

3. Vũ Dương Huân (chủ biên), Tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao, Nxb Lao động, H.2002.

4. Phạm Bình Minh (chủ biên), Định hướng chiến lược đối ngoại Việt Nam đến năm 2020, Nxb CTQG, H.2010.

5. Tôn Sinh Thành, Đàm phán ngoại giao - những vấn đề cơ bản, Nxb Thế giới, H. 2019.

6. Nguyễn Vũ Tùng (chủ biên), Khuôn khổ quan hệ đối tác của Việt Nam, Học viện Quan hệ quốc tế, H. 2007

https://tcnn.vn/

Website liên kết