TIN TỨC -> NGHIÊN CỨU - BÌNH LUẬN
Tập trung xây dựng thể chế về tổ chức bộ máy
- Phóng viên: Trước tiên, xin cảm ơn Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đã dành riêng cho Báo SGGP cuộc phỏng vấn này! Thưa Bộ trưởng, trong suốt chặng đường 75 năm xây dựng, phát triển, Bộ Nội vụ và ngành Tổ chức nhà nước đã có nhiều đóng góp to lớn vào công cuộc của đất nước. Bộ trưởng có thể cho biết những dấu ấn cơ bản?
* Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân: Chặng đường phát triển của Bộ Nội vụ có thể chia làm 4 thời kỳ: Thời kỳ Chính phủ lâm thời (1945 - 1946); Thời kỳ kháng chiến và kiến quốc (1946-1954); Thời kỳ xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam (1954-1975); Thời kỳ thống nhất, xây dựng xã hội chủ nghĩa trên cả nước và thực hiện công cuộc đổi mới (từ năm 1975 đến nay), ở mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn, Bộ Nội vụ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao phó. Ngày 28-8-1945 đã đi vào lịch sử, là ngày khai sinh của Bộ Nội vụ và đánh dấu sự ra đời của ngành Tổ chức nhà nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Là một trong 13 Bộ của Chính phủ lâm thời do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Bộ trưởng đầu tiên, được phân công lãnh đạo, theo dõi hai lĩnh vực công tác chính là tổ chức xây dựng, củng cố hệ thống chính quyền các cấp và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế Bộ Nội vụ đã phải đảm nhiệm hầu như toàn bộ công việc nội trị của quốc gia.
Trong giai đoạn hội nhập, Bộ Nội vụ được giao là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, đã nghiên cứu, tham mưu với Đảng và Chính phủ tiến hành công cuộc cải cách hành chính theo hướng xây dựng nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng và phát triển đất nước...
- 75 năm qua, Bộ Nội vụ và và ngành Tổ chức nhà nước đã rút ra được những bài học kinh nghiệm trong quá trình phát triển, thưa Bộ trưởng?
* Những thành tựu, đóng góp của Bộ Nội vụ và ngành Tổ chức nhà nước trong 75 năm qua được bắt nguồn từ đường lối đúng đắn và sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự cố gắng, nỗ lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành. Chúng tôi nhận thức sâu sắc những bài học về xây dựng chính quyền nhà nước phải luôn nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước kiểu mới, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Phát huy dân chủ, dựa vào Nhân dân để xây dựng bộ máy chính quyền trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả.
Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước phải luôn nắm vững quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Quan tâm xây dựng đội ngũ cả về đức và tài, có bản lĩnh chính trị, trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc; có trình độ, năng lực hoàn thành nhiệm vụ, tôn trọng kỷ luật, kỷ cương, tận tụy với công việc, thật sự là công bộc của Nhân dân, có hoài bão phục vụ Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, tổ chức phối hợp với các cơ quan của Đảng, của Nhà nước để làm tốt công tác tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
- Thưa Bộ trưởng, cán bộ là cái gốc của mọi công việc, để đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức hằng năm, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13-8-2020 về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức. Bộ trưởng có thể chia sẻ việc làm thế nào để đánh giá chất lượng cán bộ được khách quan, phục vụ cho một nền công vụ vì dân?
* Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có hiệu lực từ ngày 1-7-2020 là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng trong tổ chức bộ máy, công tác cán bộ, đồng thời tháo gỡ khó khăn trong tổ chức thực hiện. Theo đó, nguyên tắc thực hiện việc đánh giá phải theo tiêu chí cụ thể, gắn với kết quả, sản phẩm, thực hiện hằng năm, trước khi luân chuyển, bổ nhiệm, đồng thời giao cho người đứng đầu cơ quan quản lý công chức quy định tiêu chí đánh giá cụ thể bảo đảm đáp ứng nguyên tắc của Luật và quyết định thực hiện đánh giá phù hợp với đặc thù công việc cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Công tác đánh giá cán bộ là khâu quan trọng, là căn cứ để thực hiện quy hoạch, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, Nghi định số 90/2020/NĐ-CP của Chính phủ đã cụ thể hóa nguyên tắc này.
Tuy nhiên, trong quá trình đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức nhiều người vẫn lo ngại về chuyện không trung thực, khách quan, còn nể nang, hình thức. Điều này, trước hết khắc phục bằng cách các quy định của pháp luật phải rõ ràng, quy trình đánh giá phải công khai, minh bạch. Các tiêu chí đánh giá phải căn cứ vào kết quả cụ thể, đặc biệt là người đứng đầu cần nhận thức rõ về tầm quan trọng của công tác đánh giá. Bên cạnh đó phải xây dựng một tập thể vững mạnh, cùng một khối để giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.
- Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sắp diễn ra, công tác cán bộ cấp cơ sở, cấp ủy luôn được quan tâm. Bộ trưởng có ý kiến gì để lựa chọn được người có đủ tâm, đủ tài vào bộ máy?
* Việc chuẩn bị công tác nhân sự không phải bây giờ chúng ta mới làm mà đã chuẩn bị từ nhiều năm. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Tổ công tác của Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải thực hiện công tác đánh giá cán bộ trong năm 2019. Chúng ta đã làm trước chứ không chờ đến Đại hội mới làm để lựa chọn người xứng đáng đưa vào quy hoạch nhằm chuẩn bị cho Đại hội đảng các cấp. Tôi mong rằng, các đơn vị cần có quyết tâm chính trị cao thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: Công tác nhân sự cần tiến hành từng bước, từng việc, chắc chắn, thận trọng, chặt chẽ, đúng quy trình, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, đúng người, đúng việc…
- Với những thành tựu đáng tự hào trên chặng đường 75 năm xây dựng và phát triển của Bộ Nội vụ, thời gian tới, Bộ sẽ thực hiện những mục tiêu gì?
* Thời gian tới cần tổng kết, sơ kết Chiến lược phát triển của ngành nội vụ đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035 để làm cơ sở cho việc xây dựng thể chế và định hướng phát triển của ngành nội vụ nói chung và của Bộ Nội vụ nói riêng; bám sát Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và các văn bản quy phạm pháp luật, bám sát tình hình thực tế để tham mưu, sửa đổi bổ sung các quy định của pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực, trong đó có ngành Nội vụ phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội. Tập trung xây dựng thể chế về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và xây dựng nền hành chính hiện đại, văn minh.
Trong năm 2020, phải tổng kết Nghị quyết 30c/NQ-CP ngày 8-11-2011 của Chính phủ ban hành chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2010-2020, trên cơ sở đó sẽ xây dựng Đề án cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 theo hướng đi vào chiều sâu trong từng lĩnh vực cụ thể, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, nền kinh tế số và số hóa một số cơ sở dữ liệu để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp giữa Trung ương và địa phương. Ngày 24-6-2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 99/NQ-CP về đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực, nhưng đi vào cụ thể, thực tế phải đưa các nội dung phân cấp trong Nghị quyết vào Luật, Nghị định để triển khai, thực hiện, huy động mọi nguồn lực xã hội tập trung cho đầu tư, phát triển thời gian tới.
- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng.