TIN TỨC -> NGHIÊN CỨU - BÌNH LUẬN TIN TỨC -> NGHIÊN CỨU - BÌNH LUẬN

Back
Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030
Ngày 15/6/2021, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành số 942/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Mục tiêu đến năm 2025

Về cung cấp dịch vụ chất lượng phục vụ xã hội: Cơ quan nhà nước cắt giảm, tái cấu trúc, đơn giản hóa, chuẩn hóa, thống nhất các thủ tục hành chính phục vụ xã hội trên phạm vi toàn quốc. Cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ mới trên nguyên tắc đảm bảo chất lượng dịch vụ, giảm chi phí, tăng năng suất lao động xã hội một cách chủ động, kịp thời đáp ứng nhu cầu của xã hội. Người dân, doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ số theo nhu cầu cá thể hóa, theo suốt cuộc đời, khi cần, theo cách thuận tiện, trực tuyến hoặc trực tiếp, dễ dàng, đơn giản, nhanh chóng, không giấy tờ, không cần sự hiện diện nếu pháp luật không yêu cầu.

Chỉ tiêu cơ bản bao gồm: a) 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; b) 100% dịch vụ công trực tuyến được thiết kế, thiết kế lại nhằm tối ưu hóa trải nghiệm người dùng, khi sử dụng được điền sẵn dữ liệu mà người dùng đã cung cấp trước đó theo thỏa thuận, phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ; c) 100% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương; d) Tối thiểu 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến, người dân chỉ phải nhập dữ liệu một lần; đ) Tối thiểu 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính; e) Tối thiểu 20% thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước được cắt giảm so với hiện nay.

Về huy động rộng rãi sự tham gia của xã hội: Người dân, doanh nghiệp và các tổ chức khác có thể dễ dàng tham gia ý kiến đóng góp cho hoạt động của cơ quan nhà nước, phản ánh những vấn đề của xã hội xung quanh mình tới cơ quan nhà nước và nhận được ý kiến phản hồi về sự tham gia, kết quả tham gia của mình. Doanh nghiệp có thể tham gia cung cấp dịch vụ công hoặc phát triển những dịch vụ mới, sáng tạo, giúp xã hội có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ công của cơ quan nhà nước. Nhà nước, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức khác cùng tham gia phổ cập việc sử dụng dịch vụ công nói riêng, chuyển đổi số nói chung.

Chỉ tiêu cơ bản bao gồm: a) 100% cơ quan nhà nước cấp bộ, tỉnh tham gia mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; b) Tối thiểu 50% dịch vụ công mới của cơ quan nhà nước có sự tham gia cung cấp của doanh nghiệp hoặc tổ chức ngoài nhà nước.; c) 100% cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khả năng tương tác thuận tiện, trực tuyến với cơ quan nhà nước trong các hoạt động quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ dựa trên các nền tảng công nghệ số.

Về vận hành tối ưu các hoạt động của cơ quan nhà nước: Cơ quan nhà nước thiết kế mô hình tổ chức, cách thức vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số, tạo ra môi trường làm việc và công cụ làm việc để cán bộ, công chức, viên chức có thể thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình, kết nối và hợp tác với nhau dễ dàng hơn, đưa ra quyết định kịp thời hơn, ban hành chính sách tốt hơn, sử dụng nguồn lực tối ưu hơn. Cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng phân tích, khai thác dữ liệu và công nghệ số, có năng lực kiến tạo phát triển, dẫn dắt chuyển đổi số trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương.

Chỉ tiêu cơ bản bao gồm: a) 100% cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ 24/7, sẵn sàng phục vụ trực tuyến bất cứ khi nào người dân và doanh nghiệp cần. 100% công chức được gắn định danh số trong xử lý công việc; b) 100% hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan nhà nước được thực hiện trên nền tảng quản trị tổng thể, thống nhất; c) 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước được thực hiện dưới dạng điện tử, được ký số bởi chữ ký số chuyên dùng, trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật; d) 90% hồ sơ công việc tại cấp bộ, tỉnh; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); đ) 100% công tác báo cáo được thực hiện trên hệ thống thông tin báo cáo quốc gia; e) 100% hồ sơ được tạo, lưu giữ, chia sẻ dữ liệu điện tử theo quy định; g) 100% cơ quan nhà nước cấp bộ, tỉnh có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, có ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động; h) Tối thiểu 50% hoạt động giám sát, kiểm tra của cơ quan quản lý được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý; i) Tối thiểu 70% nội dung chương trình đào tạo, thi tuyển, thi nâng ngạch quản lý nhà nước ngạch chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp hoặc tương đương được thực hiện trực tuyến; k) 100% cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng, phổ cập kỹ năng số cơ bản; 50% cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng phân tích, khai thác dữ liệu và công nghệ số.

Về giải quyết hiệu quả các vấn đề lớn trong phát triển kinh tế - xã hội: Một số vấn đề cơ bản cơ quan nhà nước có khả năng giải quyết hiệu quả các vấn đề lớn trong phát triển kinh tế - xã hội trên tất cả các lĩnh vực, bao gồm: a) Mỗi người dân có danh tính số kèm theo QR code, tiến tới đều có điện thoại thông minh. Mỗi hộ gia đình có địa chỉ số, có khả năng truy cập Internet cáp quang băng rộng; b) Mỗi người dân đều được sống trong môi trường bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội và có quyền riêng tư cá nhân trong môi trường số được bảo vệ theo quy định của pháp luật; c) Mỗi người dân đều có hồ sơ số về sức khỏe cá nhân. Mỗi trạm y tế xã đều triển khai hoạt động quản lý trạm y tế xã trên môi trường số. Mỗi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đều triển khai tư vấn khám, chữa bệnh từ xa dựa trên nhu cầu thực tế. Mỗi bệnh viện, trung tâm y tế công đều triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, đơn thuốc điện tử. Công khai giá thuốc, giá trang thiết bị y tế, giá khám chữa bệnh; d) Mỗi học sinh, sinh viên đều có hồ sơ số về việc học tập cá nhân. Mỗi cơ sở đào tạo đều triển khai hoạt động quản lý dạy và học trên môi trường số. Triển khai thanh toán học phí không dùng tiền mặt, học liệu số. Triển khai đại học số là quốc gia số thu nhỏ, thay đổi mô hình dạy và học để tối ưu hóa vận hành các cơ sở đào tạo đại học, tối ưu hóa trải nghiệm học tập của sinh viên và khuyến khích các mô hình đào tạo mới; đ) Mỗi người nông dân đều có khả năng truy cập, khai thác, sử dụng hiệu quả nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp, nền tảng truy xuất nguồn gốc, giảm sự phụ thuộc vào các khâu trung gian từ sản xuất, phân phối đến người tiêu dùng; e) Mỗi người dân ở độ tuổi lao động đều có khả năng tiếp cận cơ hội việc làm. Mỗi người dân đều có khả năng tiếp cận các khóa học kỹ năng trực tuyến MOOC (Massive Open Online Course) được cá nhân hóa cho đối tượng người học và mở rộng ra toàn xã hội, bao gồm cả những khóa học cơ bản, góp phần nâng cao kỹ năng số của xã hội, xóa mù công nghệ số cho vùng sâu, vùng xa; g) Mỗi tuyến giao thông đường bộ cao tốc đều được triển khai lắp đặt hệ thống quản lý, điều hành giao thông thông minh. Triển khai thu phí điện tử không dừng tại tất cả các trạm thu phí trên toàn quốc, xóa bỏ tất cả các làn thu phí sử dụng tiền mặt. Mỗi phương tiện ô tô sử dụng tài khoản thu phí điện tử để thanh toán đa mục đích cho các dịch vụ giao thông đường bộ. Giảm chi phí dịch vụ giao nhận - kho vận và xây dựng được chuỗi cung ứng giao nhận - kho vận làm chủ bởi doanh nghiệp Việt Nam; h) Mỗi người nhập cảnh, xuất cảnh tại Việt Nam đều có thể dễ dàng, giảm thiểu thời gian, nhanh chóng thực hiện các thủ tục cần thiết nhờ sự trợ giúp hiệu quả của các quy trình đã được tự động hóa, thuộc nhóm 03 nước tốt nhất trong khu vực Đông Nam Á; i) Mỗi hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện xuất nhập cảnh được quản lý từ khâu đầu đến khâu cuối sử dụng nền tảng công nghệ số, giảm thiểu thời gian, nhanh chóng thực hiện thủ tục hải quan, thuộc nhóm 03 nước tốt nhất trong khu vực Đông Nam Á; k) Mỗi hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp nhỏ và vừa đều có thể dễ dàng trải nghiệm sử dụng các nền tảng công nghệ số phục vụ sản xuất, kinh doanh; l) Mỗi cá nhân, hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp có thể dễ dàng gửi nhận hóa đơn điện tử với nhau và với cơ quan thuế sử dụng nền tảng công nghệ số; m) Mỗi di sản của Việt Nam đều có hiện diện số và hình thành bản di dản số để người dân, khách du lịch có thể truy cập thuận lợi trên môi trường số.

Xếp hạng quốc gia của Việt Nam về phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số theo đánh giá của Liên Hợp Quốc có sự thay đổi đột phá. Một số chỉ tiêu cơ bản bao gồm: a) Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chỉ số tổng thể; b) Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chỉ số tham gia điện tử; c) Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chỉ số dữ liệu mở…

Tầm nhìn đến năm 2030

Việt Nam có chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số ở mức độ cao trên thế giới, thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu theo xếp hạng của Liên hợp quốc.

Chính phủ số chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, doanh nghiệp giảm chi phí, tăng năng suất của doanh nghiệp, tạo thuận lợi, mang lại sự hài lòng của người dân, để người dân, doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào hoạt động của cơ quan nhà nước để cùng tạo ra giá trị, lợi ích, sự hài lòng, niềm tin và đồng thuận xã hội.

Chính phủ số chuyển đổi cách thức tổ chức, vận hành, môi trường làm việc và công cụ làm việc để cán bộ, công chức, viên chức có thể thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình.

Ngoài ra, Chiến lược cũng đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm quốc gia bao gồm: Hoàn thiện môi trường pháp lý; Phát triển hạ tầng số; Phát triển các nền tảng số và hệ thống quy mô quốc gia; Phát triển dữ liệu số quốc gia; Phát triển các ứng dụng, dịch vụ quốc gia; Bảo đảm an toàn, an ninh mạng quốc gia và 6 nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, ngành, địa phương: Hoàn thiện quy chế, quy định; Phát triển hạ tầng số; Phát triển nền tảng, hệ thống; Phát triển dữ liệu; Phát triển ứng dụng, dịch vụ số; Bảo đảm an toàn, an ninh mạng.

Bên cạnh đó, Chiến lược cũng đề ra 10 giải pháp, gồm: Tổ chức, bộ máy, mạng lưới; Tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng số; Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức; Hợp tác giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp; Nghiên cứu, phát triển, làm chủ các công nghệ lõi; Chuẩn hóa, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ; Hợp tác quốc tế; Bảo đảm kinh phí; Đo lường, giám sát, đánh giá triển khai; Cơ chế điều hành, tổ chức thực thi.

Chiến lược giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện cải cách hành chính. Chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông sửa đổi, bổ sung Bộ chỉ số cải cách hành chính theo hướng gắn kết chặt chẽ phát triển Chính phủ số với hoạt động cải cách hành chính, Chính phủ số trở thành công cụ đắc lực thúc đẩy cải cách hành chính nhà nước.

Nguồn: moha.gov.vn

Các tin liên quan Ngày đăng
Nền tảng số và định hướng mở - giải pháp đột phá phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số 24/06/2021
Sở Giao thông vận tải tỉnh Sóc Trăng nâng mức độ dịch vụ công cấp độ 3 cho 32 thủ tục hành chính 24/06/2021
Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư 18/06/2021
Tiêu chuẩn, điều kiện thi, xét thăng hạng viên chức ngành Y tế 18/06/2021
Sóc Trăng thông báo thay đổi địa chỉ tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về quy định hành chính 11/06/2021
Sóc Trăng có 63 xã, phường, thị trấn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong danh sách xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 11/06/2021
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện đạt 66,67% nhiệm vụ cải cách hành chính năm 2021 11/06/2021
Tỉnh Sóc Trăng triển khai thực hiện việc khai thác thông tin mã QRcode trên thẻ Căn cước công dân trong thực hiện các thủ tục hành chính, dân sự 08/06/2021
Sóc Trăng khẩn trương thực hiện công tác tuyển dụng viên chức tại các cơ quan, đơn vị năm 2021 08/06/2021
Qua hơn 02 năm triển khai thực hiện Đề án số 08-ĐA/TU, ngày 24/8/2018 của Tỉnh ủy Sóc Trăng 08/06/2021
Trang 1/16
Website liên kết