TIN TỨC -> NGHIÊN CỨU - BÌNH LUẬN
Gặp gỡ và lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong 7 tháng đầu năm 2020 tình hình phát triển doanh nghiệp ổn định, số lượng đăng ký mới là 276 doanh nghiệp, tăng 73 doanh nghiệp so với cùng kỳ, với tổng vốn đăng ký 3.215 tỉ đồng, tăng 1.763 tỉ đồng. Số doanh nghiệp giải thể 39, tăng 8 doanh nghiệp so với cùng kỳ, doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động 45, tăng 6 doanh nghiệp so cùng kỳ. Tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đến ngày 31-7-2020 là 2.994 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký 34.094 tỉ đồng. Phấn đấu 5 tháng còn lại của năm 2020 sẽ phát triển thêm khoảng 200 doanh nghiệp, theo đó, ước tính tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đến cuối năm 2020 đạt khoảng 3.200 doanh nghiệp.
Quang cảnh buổi gặp gỡ, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp. Ảnh: T.H
Tại buổi gặp gỡ, đa số các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đề nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành cơ sở dữ liệu chung về các doanh nghiệp đã được thanh tra, kiểm tra và cập nhật thường xuyên, liên tục và được quản lý thống nhất bởi một đơn vị; các đơn vị khác có thể tra cứu dữ liệu này để phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra của mình, tránh trùng lắp như: thanh tra thuế, môi trường, phòng cháy chữa cháy… tránh gây mất thời gian của doanh nghiệp. Những ý kiến phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp về công tác thanh tra, kiểm tra chồng chéo giữa các ngành đã được lãnh đạo Thanh tra, Sở Kế hoạch và Đầu tư giải thích thỏa đáng.
Kết thúc buổi gặp gỡ với doanh nghiệp, đồng chí Lê Trọng Nguyên - Chánh Thanh tra tỉnh cho biết, mặc dù các nội dung đặt ra có thể chưa được giải đáp hết tại hội nghị hoặc có thể chưa thỏa mãn doanh nghiệp nhưng các cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp gần nhau, hiểu rõ nhau hơn, hiểu rõ các khó khăn, vướng mắc đặt ra cho doanh nghiệp và đây cũng là cơ sở quan trọng để báo cáo UBND tỉnh hoặc các bộ, ngành Trung ương xem xét, tháo gỡ cho doanh nghiệp.
Cũng theo Chánh Thanh tra tỉnh Lê Trọng Nguyên, đối với lĩnh vực thanh tra, kiểm tra trong thực tế là quy định về trình tự, thủ tục kiểm tra chuyên ngành chưa đầy đủ, bị phân tán và phụ thuộc vào từng lĩnh vực quản lý nhà nước, từ đó tạo ra nguy cơ có sự chồng chéo của các cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động kiểm tra doanh nghiệp. Đối với công tác phòng chống tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà thì cán bộ ngành thanh tra phải tiên phong. Do đó, Thanh tra tỉnh rất mong tiếp tục nhận được ý kiến phản ánh của doanh nghiệp liên quan đến việc nhũng nhiễu, phiền hà trong giải quyết công việc cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các sở, ngành đều có đường dây nóng và Email để tiếp nhận thông tin được đăng trên Website của từng cơ quan và sẵn sàng nhận thông tin của doanh nghiệp.