Theo một đại diện của Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến là một trong những chỉ số đo lường quan trọng trong phát triển Chính phủ điện tử khi lấy người dân là trung tâm, là đối tượng phục vụ của các cơ quan nhà nước. Dịch vụ công trực tuyến phải được cung cấp đến mọi người dân, mọi lúc, mọi nơi, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí, làm cho hoạt động của các cơ quan nhà nước được minh bạch, hiệu quả, góp phần phòng chống tham nhũng, cải cách hành chính toàn diện.
“Đặc biệt, trước tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, việc đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 càng trở nên quan trọng và cấp bách”, vị đại diện Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh. Thực tế, trong nhiều năm Việt Nam triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến để giải quyết các thủ tục hành chính đã được các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh, với số lượng dịch vụ công trực tuyến được các cơ quan nhà nước cung cấp cho người dân, doanh nghiệp liên tục gia tăng. Tuy nhiên, một trong những hạn chế lớn trong phát triển Chính phủ điện tử thời gian qua là tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ trực tuyến còn thấp, hiệu quả đạt được chưa cao. Theo số liệu thống kê, tính đến cuối năm ngoái, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ chỉ khoảng 12%.
Trong đánh giá ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với hoạt động của lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước quý I năm nay, thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết các hoạt động về phát triển Chính phủ điện tử của các Bộ, ngành gần như không chịu tác động nhiều từ dịch Covid-19, thậm chí còn có xu hướng được đẩy nhanh hơn do phát sinh mạnh nhu cầu trao đổi thông tin, gửi nhận văn bản trên Trục liên thông văn bản quốc gia, họp trực tuyến giữa các cấp để ứng phó với bệnh dịch.
“Diễn biến của bệnh dịch Covid-19 khiến người lao động của các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức có tâm lý e ngại, hạn chế tụ tập nơi đông người. Do đó, việc khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến là biện pháp hiệu quả giúp phòng dịch, qua đó thúc đẩy việc triển khai, sử dụng dịch vụ công trực tuyến được hiệu quả”, đại diện Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay.
Đáng chú ý, tại buổi ra mắt 2 ứng dụng (app) hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 vào ngày 9/3 vừa qua, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông đã cho biết, cùng với sự gia tăng người sử dụng các ứng dụng hỗ trợ làm việc, đào tạo từ xa, trong hơn 1 tháng phòng dịch Covid-19, tỷ lệ sử dụng các dịch vụ công trực tuyến đã tăng gấp đôi, từ 12% lên 24%. “Chúng ta đã làm Chính phủ điện tử cũng 20 năm mới giải được 12% là các dịch vụ công trực tuyến được sử dụng. Nhưng hơn 1 tháng vừa qua, tỷ lệ này đã tăng lên 24%”, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay.
Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ sớm triển khai hệ thống giám sát về Chính phủ điện tử để thu thập, đo lường mức độ sử dụng dịch vụ công trực tuyến đối với từng địa phương, từng Bộ, ngành. “Có được những số liệu cụ thể, chúng ta mới biết được nơi nào làm tốt, nơi nào chưa tốt, mức độ hiệu quả ra sao”, đại diện Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh.
Trước đó, trong trao đổi với ICTnews, nhấn mạnh giai đoạn phòng dịch Covid-19 là cơ hội thúc đẩy tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến, chuyên gia Nguyễn Thế Trung chia sẻ: “Từ trước đến nay, chúng ta chỉ nhìn thấy rằng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 giúp giảm thiểu những hành vi nhũng nhiễu, đảm bảo minh bạch hơn trong quá trình phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đến nay, trong bối cảnh phải ứng phó với dịch Covid-19, các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao có thêm một sức mạnh nữa, đó là không cần tiếp xúc trực tiếp mà vẫn có thể làm được các thủ tục hành chính và nhờ đó giúp giảm nguy cơ lây truyền dịch bệnh”.