TIN TỨC -> NGHIÊN CỨU - BÌNH LUẬN
Công tác phối hợp thực hiện công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh
Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ chính trị, Ban Nội chính Tỉnh ủy và Thanh tra tỉnh thống nhất ban hành Quy chế phối hợp trong công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng. Thời gian qua, hai đơn vị đã nghiêm túc phối hợp thực hiện tốt chức năng tham mưu, kịp thời giúp Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng; tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, góp phần giữ vững an ninh trật tự, phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương.
Căn cứ Quy chế phối hợp số 05-QCPH/BNCTU-TTr, việc phối hợp xây dựng các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, công tác tuyên truyền pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng luôn được hai cơ quan thực hiện tốt. Đặc biệt là giữ vững giao ban hàng tháng trong việc xử lý đơn thư, thông tin tình hình khiếu nại, tố cáo từ đó tạo nên sự liên hệ gắn kết, làm tham mưu tốt cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh xử lý kịp thời các vụ việc trên địa bàn tỉnh. Hàng năm theo kế hoạch Ban Nội chính Tỉnh ủy đều tiến hành rà soát các cuộc thanh tra kinh tế xã hội (Thanh tra tỉnh là đơn vị phối hợp) để kịp thời phát hiện những kết luận có dấu hiệu tội phạm; tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo làm rõ xử lý kịp thời các hành vi vi phạm. Từ đó đã nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm trong lực lượng cán bộ, công chức thanh tra trong việc tham mưu xây dựng dự thảo kết luận thanh tra, nâng cao chất lượng các kết luận thanh tra, đảm bảo xử lý kịp thời, chính xác, khách quan các hành vi vi phạm pháp luật.
Thanh tra tỉnh phối hợp Ban Nội chính Tỉnh ủy đã chủ động hơn trong việc nghiên cứu, đề xuất, tham mưu giúp Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy xây dựng và ban hành các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng; phối hợp có hiệu quả với các đơn vị có liên quan trong việc hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng. Chủ động thành lập các đoàn kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, vượt cấp trên địa bàn tỉnh nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác này; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu các cấp; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp. Cụ thể, trong 02 năm 2019 và2020, Thanh tra tỉnh phối hợpBan Nội chính Tỉnh ủy đã thành lập 2 đoàn kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, vượt cấp trên địa bàn 11 huyện, thị xã, thành phố; các đơn vị trong khối Nội chính... tổng số vụ việc đã rà soát là 124 vụ. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các ngành tổ chức họp giao ban công tác tiếp công dân và xử lý đơn. Kịp thời đôn đốc, chấn chỉnh các đơn vị chậm hoặc chưa báo cáo kết quả thực hiện về Thanh tra tỉnh để tổng hợp, theo dõi kết quả thực hiện…
Đối với Thanh tra tỉnh đã kịp thời trao đổi, cung cấp thông tin cho Ban Nội chính Tỉnh ủy theo kế hoạch phòng chống tham nhũng. Trong quá trình thực hiện có những vấn đề phát sinh hai bên đều có sự phối hợp, trao đổi làm rõ nội dung để tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh xử lý kịp thời, đúng quy định.Trong 02 năm 2019 và 2020, Thanh tra tỉnh đã tổ chức triển khai 21 cuộc thanh tra (trong đó theo kế hoạch 17 cuộc, 4 cuộc đột xuất),trên các lĩnh vực kinh tế xã hội, nội chính văn xã; thanh tra trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Thanh tra tỉnh tiếp 45 lượt với 57 lượt người, trong đó lãnh đạo tiếp 17 lượt với 29 lượt người theo lịch tiếp định kỳ và đột xuất; cán bộ tiếp 28 lượt với 28 lượt người. Lãnh đạo Thanh tra tỉnh cùng tham gia với lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành tỉnh tiếp 24 lượt, với 221 người theo lịch tiếp dân định kỳ và đột xuất. Tiếp nhận 133 đơn (trong đó khiếu nại 37 đơn; tố cáo 15 đơn; kiến nghị, phản ánh 81 đơn), qua phân loại có 133/133 đơn không thuộc thẩm quyền của Chánh Thanh tra tỉnh đã có văn bản hướng dẫn 14 đơn, chuyển cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết 32 đơn; lưu 87 đơn do trùng lắp hoặc gửi nhiều cơ quan, đơn vị. Thanh tra tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1253/QĐ-UBND thành lập Tổ công tác kiểm tra, rà soát vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng (có Ban Nội chính Tỉnh ủy tham gia làm thành viên).
Hoạt động thanh tra đã giúp tỉnh kịp thời phát hiện những sai phạm về kinh tế của một số tổ chức, cá nhân và tiến hành thu hồi tài sản sai phạm đạt tỷ lệ 95,63%; thực hiện chấn chỉnh rút kinh nghiệm, xử lý đối với những tập thể, cá nhân có sai phạm và chuyển cơ quan điều tra 03 vụ theo quy định. Công tác thẩm tra, xác minh và báo cáo vụ việc phức tạp, tồn đọng kéo dài qua nhiều năm cũng được hoàn thành 100% trong năm 2020.
Thời gian tới, hai đơn vị tiếp tục nâng cao hiệu quả việc thực hiện các nội dung trong quy chế phối hợp đã đề ra. Trong đó,kịp thời cung cấp, trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ trong việc phát hiện sai phạm, tiêu cực tham nhũng qua công tác thanh tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo để tham mưu đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy xử lý kịp thời các hành vi sai phạm. Đặc biệt là trước, trong thời gian diễn ra Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Thanh tra tỉnh chủ động trao đổi thông tin, đề xuất với Ban Nội chính Tỉnh ủy về Kế hoạch thanh tra hàng năm trước khi trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt. Đồng thời, phối hợptổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp số 05-QCPH/BNCTU-TTr ngày 4-8-2015 giữa Ban Nội chính Tỉnh ủy với Thanh tra tỉnh trong công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng./.
Thanh tra tỉnh Sóc Trăng