TIN TỨC -> NGHIÊN CỨU - BÌNH LUẬN TIN TỨC -> NGHIÊN CỨU - BÌNH LUẬN

Back
Nỗ lực cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
STO - Không ngừng nỗ lực kiên trì thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, điểm số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh tăng liên tiếp trong 5 năm trở lại đây và tình hình thu hút đầu tư có bước khởi sắc rõ nét. Tuy nhiên, thực tế xếp hạng cũng cho thấy, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của tỉnh vẫn chậm hơn so với các tỉnh, thành phố khác. Vì vậy, để cải thiện chỉ số PCI, tỉnh đã đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để tập trung thực hiện, sớm đạt mục tiêu nâng cao cạnh tranh cấp tỉnh, để Sóc Trăng sớm trở thành điểm đến hấp dẫn cho đầu tư kinh doanh.

Cải thiện nhưng còn chậm

Nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế tư nhân, tạo động lực đổi mới nền kinh tế của tỉnh, trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 20-Ctr/TU, ngày 31-7-2017 về thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”; UBND tỉnh ban hành và triển khai các chương trình, kế hoạch thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, trong 5 năm qua, các sở, ban ngành và các địa phương đã nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp, trong đó tập trung làm tốt công tác cải cách hành chính theo hướng “một cửa”, “một cửa điện tử”, tạo thuận lợi, thông thoáng cho doanh nghiệp và nhà đầu tư triển khai dự án; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp theo hướng chuyển dần từ “cơ chế xin cho” sang “cơ chế phục vụ” doanh nghiệp. Cùng với đó, trong xúc tiến đầu tư, tỉnh chủ động tiếp cận các nhà đầu tư để vận động đầu tư, có phân công đơn vị đầu mối theo dõi công tác thu hút và hỗ trợ đầu tư đối với từng dự án trọng điểm; lồng ghép các nguồn vốn cho thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp. Mặt khác, tỉnh cũng tăng cường cung cấp thông tin; định kỳ tổ chức họp mặt, đối thoại doanh nghiệp để lắng nghe phản ánh, kiến nghị và kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động và trong thực hiện các thủ tục hành chính. Đặc biệt, trong năm 2018, tỉnh tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư và Phát động khởi nghiệp; đưa vào hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh trong năm 2019 đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, người dân trong thực hiện thủ tục hành chính.

Sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh và sự nỗ lực từ các cấp, các ngành trong tỉnh đã mang lại cho Sóc Trăng những điểm sáng trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Theo Sở Kế hoạch - Đầu tư, trong 5 năm 2015 - 2020, tỉnh đã tiếp xúc và cung cấp thông tin, giới thiệu cơ hội đầu tư cho 635 nhà đầu tư, qua đó đã chấp thuận chủ trương đầu tư 141 dự án (tăng 50 dự án so với nhiệm kỳ trước) với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 77.639 tỉ đồng (tăng 2,9 lần). Đặc biệt, trong năm 2020, có 7 dự án điện gió trong tổng số 20 dự án điện gió đầu tư tại Sóc Trăng được khởi công; Thủ tướng Chính phủ cũng đã chấp thuận chủ trương cho Dự án Đầu tư kết cấu hạ tầng Khu Công nghiệp Trần Đề với quy mô 160ha và tổng vốn đầu tư 1.230 tỉ đồng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng khá nhanh về số lượng, có 1.850 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 41% so với nhiệm kỳ trước), đến cuối năm 2020 tổng số đang hoạt động khoảng 3.200 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký khoảng 39.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn chưa đáp ứng mục tiêu đổi mới kinh tế. Kết quả xếp hạng cho thấy, điểm số PCI của tỉnh có cải thiện nhưng chậm hơn các tỉnh, thành phố khác trong cả nước, thể hiện qua việc giảm vị trí xếp hạng liên tục qua các năm. Nếu như năm 2015, PCI của tỉnh đạt 59,04 điểm và xếp thứ 22/63 tỉnh, thành phố, thì đến năm 2019, PCI của tỉnh tăng lên đạt 63,7 điểm nhưng xếp thứ 53/63. Trên cơ sở kết quả khảo sát cảm nhận của doanh nghiệp cho thấy, Sóc Trăng vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định trong quá trình thực hiện cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp.

Phấn đấu cải thiện

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Thực hiện tinh thần chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh, trên cơ sở phát huy các chỉ số PCI thực hiện tốt, UBND tỉnh đã triển khai Kế hoạch cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2022. Theo đó, UBND tỉnh xác định 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để các sở, ban ngành, địa phương tập trung thực hiện tốt.

Tại nhiệm vụ đầu tiên là tích cực xây dựng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ, UBND tỉnh yêu cầu cần chủ động, tăng cường tính minh bạch, công khai, bình đẳng về thông tin, thủ tục hành chính, các chủ trương, chính sách, thủ tục đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt, áp dụng công nghệ thông tin, rút ngắn thời gian hoàn thành các thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Hỗ trợ về thông tin, môi trường pháp lý kinh doanh, tư vấn doanh nghiệp. Tổ chức các diễn đàn, tọa đàm để tạo cơ hội giao lưu cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đầu tư đúng mức, tập trung vào trường và cơ sở giáo dục nghề nghiệp, khuyến khích đầu tư tư nhân tham gia đào tạo nghề nghiệp, phục vụ cho nhu cầu doanh nghiệp. Nâng cao vai trò đại diện và hỗ trợ doanh nghiệp của Hiệp hội Doanh nghiệp. Đồng hành cùng doanh nghiệp, linh hoạt, sáng tạo trong quá trình giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Triển khai thực hiện Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và UBND cấp huyện; kịp thời chấn chỉnh, khắc phục tồn tại, yếu kém trong việc phục vụ nhân dân. Về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư của Trung ương và tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu cần thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó, tập trung vào các chính sách hỗ trợ tập huấn, đào tạo, áp dụng công nghệ trong doanh nghiệp; xúc tiến thương mại, du lịch, cải tiến công tác truyền thông, thực hiện hiệu quả chương trình ươm tạo khởi nghiệp và chương trình tài trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; thực hiện tốt cơ chế, chính sách thúc đẩy tập trung đất đai, tạo quỹ đất để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Với nhiệm vụ nâng cao chất lượng đội ngũ thực thi công vụ, UBND tỉnh đưa ra giải pháp là thực hiện chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức về trình độ, nhận thức và kỹ năng để đáp ứng nhu cầu công việc. Đồng thời, xử lý nghiêm những trường hợp có hành vi giải quyết thủ tục hành chính không đúng quy định, kéo dài thời gian, gây phiền hà, nhũng nhiễu đối với nhân dân và doanh nghiệp.

Với tinh thần thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém, cùng những định hướng, nhiệm vụ, giải pháp sát hợp đã đề ra, chúng ta có quyền tin tưởng rằng, với tinh thần kiên trì nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự đồng hành của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp Sóc Trăng sẽ sớm tạo dựng được một môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, cải thiện năng lực cạnh tranh của tỉnh trong thời gian tới. Qua đó, tạo động lực để “đưa tỉnh Sóc Trăng phát triển nhanh, bền vững” như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.

Nguồn: http://baosoctrang.org.vn/

Website liên kết