TIN TỨC -> TIN TỨC HOẠT ĐỘNG
Trong 6 động lực tăng trưởng, quan trọng nhất là cải thiện môi trường kinh doanh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận cuộc họp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Về mặt cầu, sức cầu trong nước tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trên 12%. FDI tăng kỷ lục, vốn góp mua cổ phần đạt gần 6 tỷ USD, gấp 3 lần mức cùng kỳ 2018. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, thể dục thể thao… tiếp tục được quan tâm. An ninh trật tự, an toàn xã hội cơ bản được bảo đảm.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra nhiều rủi ro, thách thức đối với phát triển kinh tế-xã hội cần lưu ý trong quý II và năm 2019, trước hết là rủi ro, thách thức từ bên ngoài như kinh tế toàn cầu giảm tốc, triển vọng đàm phán thương mại Mỹ-Trung chưa rõ ràng, tiến trình Brexit phức tạp và bất định… Cần nhận thức các khó khăn này để vượt qua, trong đó, lạm phát chịu áp lực lớn. Thủ tướng nhấn mạnh, giữ lạm phát năm nay không quá 4% như cam kết trước Quốc hội.
Tồn tại nữa, theo Thủ tướng, là môi trường kinh doanh còn có các rào cản, tình trạng biến tướng điều kiện kinh doanh được cắt giảm cần được theo dõi, phản ánh kịp thời. Một số văn bản pháp luật nội dung chưa sát thực tế, khó thực hiện, còn tình trạng nợ đọng văn bản.
Cho rằng giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, Thủ tướng nhấn mạnh, đây là tồn tại đáng lưu ý. Các bộ trưởng cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong giải ngân vốn đầu tư công. Cần phải giải ngân mọi nguồn lực đúng quy định. Nếu giải ngân hết 100% thì tăng trưởng sẽ rất lớn.
Một vấn đề lớn được thảo luận nhiều tại phiên họp với nhiều ý kiến quyết liệt, gay gắt là việc ứng xử có văn hóa trong các cơ sở công lập, nhất là trong trường học, còn nhiều bất cập, gây bức xúc xã hội. “Cần xử lý nghiêm, nếu vi phạm, cần đình chỉ, đưa ra khỏi ngành”, Thủ tướng nói và yêu cầu 4 địa phương: Hưng Yên, Bà Rịa-Vũng Tàu, Nghệ An, Sóc Trăng kiểm tra cụ thể các vụ việc. Chủ tịch UBND các địa phương này phải xử lý nghiêm khắc để làm gương.
Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước, bổ sung các văn bản, đôn đốc công tác kiểm tra thực hiện, để sớm chấm dứt tình trạng bạo lực học đường và một số vi phạm khác trong ngành giáo dục mà báo chí gần đây đã nêu. Thủ tướng cũng chỉ ra, trước vấn đề tin giả, gây mất niềm tin trong nhân dân, chưa có biện pháp mạnh mẽ để xử lý đến nơi, đến chốn.
Về định hướng thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm Chỉ thị 09 vừa được Thủ tướng ban hành về các giải pháp tập trung tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 6 tháng và cả năm 2019, với tinh thần “kiên định thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra”. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có kịch bản tăng trưởng chi tiết để điều hành chủ động, “quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu năm 2019”.
Trước nhiều rủi ro từ bên ngoài, Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì tiếp tục theo dõi, bám sát, cập nhật, đánh giá đầy đủ, kịp thời tác động của các vấn đề quốc tế, trong đó có căng thẳng thương mại; đề xuất giải pháp tận dụng cơ hội từ các FTA. Phải chú trọng thị trường trong nước, nếu để mất thị trường 100 triệu dân sẽ là khuyết điểm lớn trong điều hành.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Thủ tướng chỉ ra 6 động lực thúc đẩy tăng trưởng năm 2019. Một là tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu nông lâm, thủy sản. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có giải pháp thúc đẩy triển khai Nghị quyết 26 về phát triển tam nông; quyết liệt phối hợp với các bộ, ngành ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi, cập nhật tình hình, báo cáo Chính phủ thường xuyên. Thứ hai, tăng cường tận dụng cơ hội từ CPTPP, đa dạng hóa thị trường, thúc đẩy xuất khẩu, giảm nhập siêu. Thứ ba, thúc đẩy công nghiệp chế biến, chế tạo; theo dõi, bám sát hoạt động các doanh nghiệp, các dự án lớn để tháo gỡ vướng mắc kịp thời hơn.
Thứ tư, đẩy mạnh phát triển dịch vụ, nhất là những ngành dịch vụ bán buôn, bán lẻ, logistics, du lịch, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng.
Thứ năm, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Mỗi bộ, ngành, tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước phải xử lý quyết liệt, hiệu quả, “đừng để tiền nằm im một chỗ”, nhất là các công trình trọng điểm. Chính sách tiền tệ, tín dụng chủ động, linh hoạt.
Thứ sáu, quan trọng nhất là tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư kinh doanh, nhất là một số vướng mắc thể chế đang làm ảnh hưởng đến sự phát triển.
Thủ tướng nhấn mạnh vấn đề được các thành viên Chính phủ thảo luận nhiều là cần quan tâm văn hóa, đạo đức, nhất là văn hóa ứng xử. Các bộ, cơ quan cần chấm dứt bệnh thành tích, hão huyền, không thực chất. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm ở một số ngành, nhất là những trường hợp gây phản cảm trong xã hội.
Thủ tướng đề nghị báo chí cần phản ánh trung thực, đúng, đủ về các vấn đề xã hội đang đặt ra, không gây tâm lý hoang mang, bất ổn cho xã hội, làm sao tạo niềm tin cho nhân dân. Báo chí cần đưa nhiều gương tốt, đơn vị tốt, tinh thần khí thế, niềm tin của nhân dân, như “trường học nào hiện nay làm tốt nhà vệ sinh, nước sạch”, Thủ tướng lấy ví dụ. “Cổ vũ hành động tốt để bảo vệ con em chúng ta, những tấm gương tốt, ứng xử văn hóa ở học đường, nơi công cộng”.
Thủ tướng đề nghị các Bộ trưởng gương mẫu thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 vừa được phê duyệt.
Thủ tướng giao Bộ Tài chính làm đầu mối đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, tránh dồn toa, dồn dập cuối năm. Bộ Tài chính cũng làm đầu mối đẩy nhanh tái cơ cấu ngân sách Nhà nước, làm sao tăng nguồn thu nội địa, bảo đảm cơ cấu chi hợp lý hơn, phát triển bền vững. Với các sắc thuế, cần đánh giá cụ thể để xem xét khả năng tăng cơ sở thuế và các loại thuế phù hợp.
Yêu cầu Bộ Nội vụ thúc đẩy sắp xếp, bố trí lại bộ máy một cách thực chất, hiệu quả, Thủ tướng nêu rõ tinh thần, “không để thiếu giáo viên khi có học sinh, không thiếu cán bộ y tế khi có bệnh nhân”.
Các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng hành lang pháp lý định hướng hỗ trợ doanh nghiệp tăng năng lực ứng dụng thành quả cách mạng 4.0, đặc biệt là khuôn khổ pháp lý quản lý tài sản ảo, tiền ảo… là những vấn đề rất mới ở Việt Nam.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phân loại, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng tình hình chậm trễ, tạm dừng các dự án đầu tư, có biện pháp, đề xuất với Thủ tướng, nhất là các dự án ở TPHCM, Hà Nội. Ở Trung ương, có bảng phân công chỉ đạo một số công trình trọng điểm, còn ở địa phương, bí thư, chủ tịch trực tiếp chỉ đạo một số công trình trọng điểm thuộc địa phương mình, để tránh tình trạng “đổ qua đổ lại”.