Ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội: Cơ quan thẩm tra cơ bản tán thành sự cần thiết phải ban hành Nghị định với quan điểm hàng hóa tạm quản phải được đặt dưới chế độ bảo đảm. Tuy nhiên, chúng tôi đề nghị, Chính phủ cần có báo cáo đánh giá tác động cụ thể về thủ tục hành chính cũng như những tác động của các quy định về chi phí đối với Nhà nước, doanh nghiệp và cả cơ quan bảo đảm là VCCI. Chúng tôi cũng đề nghị Chính phủ cần làm rõ hơn nội dung quy định về thời hạn tạm quản hàng hoá, trong đó, cần bổ sung quy định về thời hạn sử dụng sổ ATA. Riêng nội dung quy định giao cho VCCI là cơ quan cấp ATA và thực hiện thu phí cấp ATA, Chính phủ cần phân tích rõ ràng hơn về cơ sở khoa học và thực tiễn bởi về bản chất đây là hoạt động cung cấp dịch vụ công và hiện đang thuộc trách nhiệm của cơ quan hải quan.
Ông Dương Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thương mại Đại Nam: Công ty chúng tôi thường thực hiện các thủ tục về tạm nhập và tái xuất hàng hóa. Hiện tại, hàng hóa tạm nhập tái xuất theo hình thức kinh doanh thì chỉ có thời gian lưu kho tại Việt Nam là không quá 60 ngày kể từ thời làm thủ tục tạm nhập qua khu vực hải quan. Mặc dù, thủ tục Hải quan thời điểm này đã có nhiều thay đổi thuận lợi cho các doanh nghiệp. Tuy vậy, hồ sơ hải quan và thời gian thực hiện thủ tục “tạm nhập tái xuất” vẫn theo 4 bước: đăng ký khai báo hải quan và xuất trình hồ sơ sau đó đến việc kiểm tra hồ sơ và thực tế hàng hóa nhưng thủ tục khá là rắc rối. Việc Công ước Istanbul” được áp dụng, điều thay đổi đầu tiên là sẽ có một mô hình chuẩn các chứng từ tạm quản như các chứng từ hải quan quốc tế, kèm bảo lãnh thì có thể mọi việc sẽ trở lên thuận lợi và dễ dàng hơn rất nhiều.
Doanh nghiệp được lợi gì? Tại dự thảo Nghị định quy định nhiều vấn đề, trong đó có thủ tục về hồ sơ để cấp sổ tạm quản (ATA: tạm nhập - tái xuất hay tạm xuất - tái nhập). Do sổ ATA được sử dụng thay thế tờ khai hải quan, vì vậy, về cơ bản hồ sơ đề nghị cấp sổ ATA tương tự như hồ sơ để đăng ký tờ khai hải quan đối với hàng hóa tạm xuất ngoại, trừ giấy phép tạm xuất, giấy kiểm tra chuyên ngành. Cơ chế tạm quản cho phép giảm tối đa các thủ tục liên quan đến hàng hóa tạm nhập - tái xuất hay tạm xuất - tái nhập vì các yêu cầu này đã được thực hiện từ trước tại quốc gia có chủ hàng, thông qua việc sử dụng sổ tạm quản. Đây là một trong những biện pháp nghiệp vụ hải quan tiên tiến nhằm tạo thuận lợi tối đa cho một số hoạt động thương mại. Việt Nam chính thức là thành viên Công ước Istanbul (Công ước Tạm quản) từ ngày 03/7/2019. Tại phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, các thành viên Ủy ban đã “hối thúc” Chính phủ sớm hoàn thiện và ban hành Nghị định để nội luật hóa Công ước Istanbul.
Đối với Việt Nam, việc tham gia Công ước Istanbul cho phép các chủ thể từ các quốc gia tham gia Công ước có thêm lựa chọn áp dụng chế độ tạm quản hàng hóa bên cạnh chế độ quá cảnh hàng hóa đang thực hiện theo pháp luật Việt Nam. Ông Nguyễn Toàn, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Hải quan cho biết, việc thực hiện cơ chế tạm quản theo Công ước Istanbul sẽ giúp các doanh nghiệp xuất nhập khẩu được hưởng khá nhiều lợi ích. Cụ thể, từ trước tới nay, các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động tạm nhập tái xuất hàng hóa, thiết bị, máy móc đều phải thực hiện thủ tục theo quy trình mở tờ khai hải quan, đóng thuế, sau khi tái xuất sẽ phải làm thủ tục để được hoàn thuế theo quy định.
Sau khi tham gia Công ước Istanbul, các doanh nghiệp sẽ chỉ phải xin cấp sổ tạm quản ATA một lần tại quốc gia chủ hàng hóa cho tất cả các hoạt động tạm nhập tái xuất hàng hóa qua nhiều quốc gia thành viên trong suốt thời gian là 1 năm. Nhờ đó, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục hải quan.
Nhiều chuyên gia cho rằng, áp dụng sổ tạm quản ATA là một trong những biện pháp nghiệp vụ hải quan tiên tiến nhằm tạo thuận lợi tối đa cho các hoạt động thương mại hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa phục vụ sự kiện, triển lãm, hội chợ... Không chỉ có doanh nghiệp được hưởng lợi, việc áp dụng cơ chế tạm quản cũng giúp hoạt động thông quan của các cơ quan hải quan thuận lợi hơn rất nhiều. Số tiền bảo đảm doanh nghiệp phải nộp cho cơ quan bảo đảm tương đương 110% tổng số thuế nhập khẩu và các khoản thuế khác của hàng hóa tạm quản. Theo bà Hoàng Thị Mỹ, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Việt Metal tại Hải Phòng chia sẻ: “Nếu Công ước Istanbul được áp dụng với việc cấp sổ ATA do VCCI thực hiện và VCCI là cơ quan bảo đảm tại Việt Nam thì các doanh nghiệp xuất nhập khẩu sẽ rất ủng hộ điều này. Đã từ lâu, VCCI chính là tổ chức đại diện cho quyền lợi của doanh nghiệp, là tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp nên chắc chắn sẽ tạo mọi điều kiện cần thiết và hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Đây là một việc làm phù hợp với xu hướng xã hội hóa dịch vụ công trên thế giới mà Chính phủ đang đẩy mạnh”. Minh bạch dịch vụ công.
Tại Điều 8 Phụ lục A - Công ước Istanbul cũng như quy định hiện hành của pháp luật về chính sách thuế tạm quản, cách tính khoản bảo đảm bao gồm thuế nhập khẩu và thuế khác (không bao gồm thuế xuất khẩu). Theo đó, dự thảo Nghị định quy định người khai hải quan phải có thư bảo đảm tiền thuế của tổ chức tín dụng hoặc nộp tiền bảo đảm cho cơ quan bảo đảm với số tiền tương đương 110% tổng số thuế nhập khẩu và các khoản thuế khác của hàng hóa tạm quản.
Trong khi đó, tại dự thảo Nghị định quy định, VCCI là cơ quan bảo đảm tại Việt Nam. Về thực hiện nghĩa vụ bảo đảm trong nước, VCCI có trách nhiệm thanh toán tiền thuế nhập khẩu và các khoản thuế, các khoản phát sinh khác (nếu có) cho cơ quan bảo đảm nước ngoài trong các trường hợp: Người khai hải quan không tuân thủ các quy định về hàng tạm xuất từ Việt Nam, hết thời hạn tạm nhập ở nước ngoài, người khai hải quan không thực hiện tái xuất hoặc không làm thủ tục thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa.
Đối với cơ quan bảo đảm nước ngoài, VCCI gửi thông báo yêu cầu cơ quan bảo đảm nước ngoài thanh toán nộp các khoản thuế hải quan, tiền chậm nộp, tiền phạt (nếu có) trong trường hợp hàng hóa tạm nhập vào Việt Nam hết thời hạn tạm nhập nhưng không thực hiện tái xuất hoặc không làm thủ tục thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa và chuyển cho cơ quan hải quan.
Trong trường hợp số tiền bảo đảm không đủ để thanh toán các khoản trên, cơ quan bảo đảm đề nghị Liên đoàn các phòng Thương mại Thế giới thực hiện khấu trừ từ số tiền bảo đảm quốc gia theo quy định tại Công ước Istbanbul hoặc trong trường hợp bất khả kháng hoặc có tranh chấp, VCCI không đồng ý trả khoản tiền bảo đảm cho cơ quan bảo đảm quốc gia của nước mà hàng hóa đã tạm nhập.
Ông Nguyễn Văn Thuấn, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu và Vận tải Phương Quang cho rằng, các dịch vụ về tạm quản trên thế giới hầu hết đều do các cơ quan đại diện doanh nghiệp thực hiện là phòng thương mại. Do vậy, việc chuyển dịch vụ công tạm quản trên cho VCCI là phù hợp thông lệ.
Việc xã hội hóa dịch vụ công tạm quản là một bước ngoặt trong cải cách hành chính, chuyển dịch vụ hành chính công từ cơ quan quản lý nhà nước sang tổ chức có đầy đủ năng lực như VCCI. Điều này không chỉ đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế mà còn nâng cao tính minh bạch dịch vụ công, chấm dứt tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” của cơ quan quản lý nhà nước.