Thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025. Thời gian qua, UBND tỉnh đã nỗ lực, chủ động, tập trung nguồn lực để đẩy mạnh tiến độ xây dựng và ban hành một số văn bản để chỉ đạo việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của các cơ quan nhà nước phục vụ xây dựng Chính quyền điện tử (CQĐT) tỉnh. Đến nay, tỉnh đã phê duyệt Kiến trúc CQĐT tỉnh phiên bản 1.0 và đang cập nhật Khung kiến trúc CQĐT phiên bản 2.0. Hệ thống phần mềm quản lý văn bản chỉ đạo điều hành của tỉnh kết nối với Trục liên thông văn bản Quốc gia, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử 4 cấp từ Trung ương đến cấp xã. Hoàn thành việc nâng cấp sử dụng bộ thư viện phát triển kết nối, liên thông (SDK) phiên bản 2.0. Thực hiện tích hợp bộ công cụ ký số do Ban Cơ yếu Chính phủ xây dựng vào phần mềm quản lý văn bản và điều hành để thực hiện ký số. Triển khai hoàn tất hệ thống một cửa điện tử cho 100% các sở, ban ngành tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã. Hiện 100% thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh được cung cấp lên cổng dịch vụ công tối thiểu ở mức độ 2, mức độ 3 (đạt 30% tương đương 551 TTHC), mức độ 4 (đạt 10,54% tương đương 193 TTHC). Hiện tại, Cổng dịch vụ công của tỉnh đã thực hiện tích hợp thanh toán trực tuyến trên nền tảng thanh toán trực tuyến của Cổng dịch vụ công Quốc gia 1.344/1.722 thủ tục. Đến quý II năm 2020, toàn tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết đúng hạn trên Cổng dịch vụ công của tỉnh 237.630/238.539 hồ sơ, đạt 99,61%, trong đó có 4.810/27.873 hồ sơ nhận và xử lý trực tuyến, đạt 17,25%. Bên cạnh đó, nhiều cơ quan, đơn vị triển khai, ứng dụng Zalo để thực hiện tra cứu kết quả giải quyết hồ sơ TTHC, cung cấp thông tin chỉ đạo, điều hành, các thông tin về kinh tế - xã hội nhanh chóng, hiệu quả…
Quang cảnh cuộc họp
Tại cuộc họp, các thành viên ban Ban Chỉ đạo đã trao đổi làm rõ nhiều nội dung liên quan đến những nguyên nhân tỉnh đạt tỷ lệ thấp về thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; những khó khăn, các giải pháp nâng cao tỷ lệ việc ứng dụng CNTT trong giải quyết các TTHC; trình độ của cán bộ, công chức, viên chức các cấp trong ứng dụng CNTT; việc trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan, đơn vị trong tỉnh; công tác cải cách hành chính tại các cơ quan, đơn vị…
Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Hùng đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông tiếp thu, tổng hợp ý kiến của các đại biểu, nghiên cứu tham mưu Ban Chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ trong thời gian tới. Rà soát lại thành viên Ban Chỉ đạo để củng cố, bổ sung thêm; thực trạng hiệu quả hợp phần CNTT để có giải pháp phát huy tối đa hiệu quả việc ứng dụng CNTT vào hoạt động của các cơ quan, đơn vị trong thời gian tới. Xác định đâu là khó khăn, vướng mắc chủ quan, khách quan, trên cơ sở đó Sở Thông tin và Truyền thông, Văn phòng UBND tỉnh tham mưu Ban Chỉ đạo tìm giải pháp nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ, giải pháp phát triển CQĐT và Chính phủ điện tử từ nay đến cuối năm 2020, nhất là từng sở, ban ngành phải nêu cao tinh thần và quyết tâm trong thực hiện. Xây dựng lộ trình thực hiện, trách nhiệm cụ thể của từng sở, ban ngành, cá nhân… trong chuyển đổi số, hướng tới xây dựng đô thị thông minh. Tăng cường thời lượng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các bước trong thực hiện các TTHC đến người dân, doanh nghiệp, góp phần nâng cao tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong thời gian tới.